Buôn đồ gỗ không rõ nguồn gốc vào Mỹ có thể bị phạt tới nửa triệu đô

Luật LACEY được biết đến là luật quy định cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ vào Mỹ. Luật này quy định, các nhà nhập khẩu phải khai báo tên khoa học của các loại gỗ cấu thành trong sản phẩm, tên quốc gia nơi gỗ được khai thác, số lượng, giá trị.

Trong đó, quy định rõ, các công ty xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ phải biết rõ nguồn gốc nguyên liệu của mình và không thể chỉ đơn giản là dựa vào tài liệu của bên cung cấp, mà phải chịu trách nhiệm với các hành động vi phạm luật. Luật phạt rất nặng những vi phạm buôn bán gỗ bất hợp pháp. Nếu buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp sẽ bị phạt 500 ngàn USD đối với tổ chức, doanh nghiệp; 200 ngàn USD đối với cá nhân và hình phạt cao nhất có thể bắt giam, phạt tù…
 
Như vậy là, luật LACEY đòi hỏi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ phải có chuỗi hành trình truy xét nguồn gốc nguyên liệu gỗ. Trong đó, phải kiểm tra từng khâu từ khai thác gỗ tại rừng, vận chuyển và lưu bãi, từ chế biến sơ chế đến thành phẩm, vận chuyển, xuất khẩu… và đều phải có tài liệu xác minh, truy xét khi cần. Có thể nói, quy định của đạo luật trên là hệ thống cho phép truy tìm nguồn gốc gỗ của sản phẩm gỗ qua tất cả các công đoạn từ khai thác nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm.
 
Từ những điều trên cho thấy tầm quan trọng của đạo Luật LACEY mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được. Song, một điều thật sự lo lắng, bởi cho đến ngày cuối cùng của tháng 3 (tức ngày 31/3), nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có thông tin đầy đủ cũng như những hướng dẫn cụ thể khi xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ. Trong đó có chủ doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, hiện các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp thực thi luật này. Thậm chí đến thời điểm này, công đoạn dịch thuật nội dung của Luật LACEY sang tiếng Việt cũng chưa hoàn tất. Và, người ta dự kiến trong tháng 5/2010, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores) mới tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp ngành gỗ những thông tin cần thiết để áp dụng trong quá trình mua nguyên liệu và sản xuất, xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ.
 
Bị động trong việc tìm hiểu, nắm bắt các luật lệ của đối tác thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị thua thiệt. Khi làm ăn với đối tác nước ngoài trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta không thể theo tâm lý cũ là “bán cái mình có”, mà cần phải có tư duy “bán cái mà thị trường cần”. Để trợ giúp doanh nghiệp bước vào sân chơi lớn, rất cần sự hỗ trợ chủ động, tích cực từ các bộ ngành chức năng (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương), trong đó cần cập nhật tài liệu, sớm biên dịch các tài liệu đó và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về cách thức, phương hướng để cho doanh nghiệp quen dần với các “hàng rào kỹ thuật” mà các đối tác đặt ra. Nếu ta (cả nhà quản lý và doanh nghiệp) càng bị động thì mức độ rủi ro càng lớn. Đó chính là quy luật, là quan hệ Nhân - Quả mà ta cần phải tính đến.

Theo Hạnh Nguyên (báo Thanh Tra)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới