Cho đến khi xảy ra vụ nổ trong khu đô thị ở Hà Đông (Hà Nội), nhiều người mới giật mình. Việc kinh doanh phế liệu trong khu dân cư hiện được quản lý ra sao?
Theo Nghị định 18/2015, chỉ những dự án bãi tập kết nguyên nhiên vật liệu, phế liệu có quy mô từ 1 ha trở lên mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những dự án với quy mô nhỏ hơn thì tùy tình hình, từng tỉnh, thành có văn bản hạn chế kinh doanh trong khu dân cư.
Thực tế, việc kinh doanh phế liệu đa số nhỏ lẻ, mang tính chất đơn giản là phân loại phế liệu rồi cung cấp cho các cơ sở tái chế; nếu có phức tạp hơn thì cũng chỉ sơ chế như xay nhỏ rồi đóng gói. Có lẽ cũng vì lý do nhỏ lẻ, đơn giản mà họ không quan tâm trang bị an toàn phòng, chống cháy nổ cũng như biện pháp bảo vệ môi trường. Những cơ sở như vậy nên cách xa khu dân cư. Được biết TP.HCM đã có chủ trương và đã vận động được một số cơ sở kinh doanh phế liệu di dời khỏi nội ô. Đây là cách làm cần nhân rộng ra các nơi khác.
Việc cấp phép hoạt động mới thì dễ, tuy nhiên đối với những trường hợp cơ sở tồn tại trước đó hoặc có từ trước khi hình thành khu dân cư thì Nhà nước nên khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở này di dời hoặc chuyển đổi kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Luật sư LÊ VĂN HOAN (Trưởng Văn phòng luật sư Lê Văn, TP.HCM)