BV Chợ Rẫy: Gần 800 người bị rắn độc cắn

Đặc biệt vào mùa mưa, có ngày bệnh viện tiếp nhận 6-10 ca do rắn lục cắn. Đứng thứ hai là rắn chàm quạp, gặp nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ. Theo TS Bính, tại Việt Nam mỗi năm trung bình có 30.000 ca nhập viện do bị rắn cắn.

Rắn lục ở phía Nam chủ yếu là rắn lục xanh đuôi đỏ. Khi bị rắn cắn, biểu hiện nhẹ là đau nhức, chảy máu, bong nước ít, hoại tử. Biểu hiện nặng là chảy máu răng lợi, tiểu ra máu, rong kinh, tụt huyết áp… 

Theo TS Bính, đáng lo ngại, bệnh nhân bị rắn cắn lại đi thầy thuốc Nam, khi trở nặng đến bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng trụy tim mạch, xuất huyết trong cơ, xuất huyết não, suy thận… “Nếu bị rắn lục cắn mà nhập viện sớm thì chỉ nằm viện 2-3 ngày là khỏi. Hiện tỉ lệ tử vong chung do rắn lục cắn là thấp” - TS Bính nói.

Một nạn nhân bị rắn lục cắn đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: TÙNG SƠN

Cũng theo TS Bính, Việt Nam là một trong bốn nước sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục, chàm quạp. Tuy nhiên, huyết thanh rắn hổ chúa, hổ đất thì còn phải nhập. “Về liều dùng, trẻ em và người lớn đều dùng liều lượng tương đương nhau nhưng không nhất thiết phải cố định. Cần lưu ý là huyết thanh kháng nọc rắn cũng có thể gây ra sốc khi đưa vào cơ thể” - TS Bính nói.

TS Bính khuyến cáo khi bị bất cứ loại rắn độc nào cắn, cần trấn an nạn nhân, rửa vết thương bằng nước sạch hay xà phòng, băng ép cố định chi (đa số cắn ở chi). Nếu bị nọc rắn bắn vào mắt thì phải rửa mắt bằng nước muối. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất, không nên đưa đến thầy lang để đắp thuốc.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm