Thực tế, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (của Công ty Công Lý) đã xuống cấp nghiêm trọng, việc xử lý rác không đảm bảo, lượng rác chôn lấp vượt mức cho phép” - ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trả lời Pháp Luật TP.HCM.
. Phóng viên: Việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị là chuyện của doanh nghiệp và nó được hoạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, cấu thành trong giá thành sản phẩm, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Tiến Hải: Về nguyên tắc đó là trách nhiệm của công ty, tôi đồng ý. Nhưng ta phải nhìn toàn diện. Đây là doanh nghiệp, họ hoạt động trên lĩnh vực công ích. Hơn nữa, giữa Nhà nước và công ty này có mối quan hệ khách hàng. Chúng ta phải trả tiền cho họ. Vì vậy, về mục đích thì bảo trì, bảo dưỡng nhưng về hình thức thì ta ứng trước tiền hàng, dịch vụ mà chúng ta phải trả. Thêm nữa, có sự cân nhắc mang tính quyết định là vì môi trường sống của người dân. Bởi nếu chúng tôi không tạm ứng thì có thể họ không xử lý rác an toàn, gây ô nhiễm.
Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động từ tháng 5-2012 với hệ thống công nghệ được cho là tiên tiến nhất vùng nay đã “hư hỏng nặng”. Ảnh: TRẦN VŨ
. Nhưng trong hồ sơ liên quan đến việc cho ứng 25 tỉ đồng, chúng tôi không thấy căn cứ pháp luật nào được dẫn ra trong khi việc điều hành phải theo Luật Ngân sách?
+ Như đã lý giải, đây là trường hợp đặc biệt. Quy định của pháp luật về quản lý nhà nước cũng chưa thực sự đầy đủ, có những sự việc địa phương phải uyển chuyển vì lợi ích chung. Tôi cũng khẳng định trong trường hợp này không hề có sự ưu ái nào cho Công ty Công Lý.
. Dư luận vẫn không đồng tình vì cho rằng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau đã được ưu đãi từ việc được giao đất không thu tiền sử dụng đất, được hỗ trợ 50% vốn đầu tư nhà máy, được tỉnh trả tiền xử lý rác cao hơn nơi khác… Lẽ ra khi Công ty Công Lý không xử lý rác đảm bảo thì tỉnh nhắc nhở, thậm chí thu hồi dự án để giao cho đơn vị khác. Đằng này tỉnh lại làm khác, cho ứng tiền để bảo trì, bảo dưỡng. Ông lý giải như thế nào về các băn khoăn trên?
+ Cách đây vài tháng, Công ty Công Lý có tờ trình muốn giao nhà máy rác lại cho Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi không chấp nhận vì chưa có phương án tiếp quản khả thi. Nay trước tình huống nhà máy có nguy cơ đóng cửa, rác ùn ứ, môi trường sống cộng đồng bị đe dọa, chúng tôi đành phải làm vậy. Việc làm này đã được tập thể cân nhắc, trên cơ sở thống nhất đề xuất từ các cơ quan tham mưu của tỉnh. Tôi cũng nhắc lại nhà máy rác hoạt động trên lĩnh vực công ích và số tiền trên là ứng trước tiền dịch vụ phải trả cho nhà máy. Nó không mất đi đâu hết mà được trừ dần vào tiền thanh toán chi phí xử lý rác trong tương lai.
. Xin cám ơn ông.
Theo Sở Tài chính Cà Mau, năm 2012, khi nhà máy hoàn thành thì tỉnh đã từng cho ứng 20 tỉ đồng tiền xử lý rác và công ty này đã thanh toán đủ cho Nhà nước vào ngày 30-1-2016 bằng cách trừ 50% tiền xử lý rác thải hằng tháng. Ngoài ra máy móc, thiết bị nhà máy đã xuống cấp nên phải bảo trì, bảo dưỡng. Do vậy, ngày 17-10, Sở Tài chính đề xuất với UBND tỉnh cho Công ty Công Lý ứng 30 tỉ đồng từ ngân sách và công ty trả chậm theo cách cũ, tức trừ 50% tiền xử lý rác mỗi tháng. |