ĐỒNG THÁP MƯỜI - CÂU CHUYỆN TỪ LÒNG ĐẤT - KỲ 4:

Cả một quần thể đền thần

Di tích nền tháp cổ- Ảnh: V.Tr
Di tích nền tháp cổ- Ảnh: V.Tr

Đáng quan tâm nhất chính là việc có thêm nhiều chứng cứ để khẳng định các kiến trúc, phế tích trong lòng đất gò Tháp chính là đền thần.

Cuộc khai quật lớn

PGS.TS Đặng Văn Thắng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giám đốc Bảo tàng Lịch sử - văn hóa) chủ trì cuộc khai quật khảo cổ học vào tháng 6 và 7-2010. Cuộc khai quật này có tên là “Tường thành phía tây khu di tích Gò Tháp”. Vị trí hố khai quật đầu tiên là phía tây gò Tháp Mười hơn 38m - nơi đã được khai quật năm 1998.

Sau khi khai quật từ hố 1-9 thì nhóm khảo cổ đã xác định có một ao thần (stepped pond), mỗi cạnh trên dưới 100m tại Gò Tháp, giống kiểu ao thường gặp trong văn hóa Óc Eo muộn từ thế kỷ VII-XII. Đặc điểm ao là phía trong tường được kè bằng lớp gạch vụn và đất sét, bên ngoài xây các hàng gạch với kiểu xếp gạch so le và đổ cát giữ cho tường không đổ vào bên trong ao. Nhờ vậy mà ao này sử dụng hàng ngàn năm nhưng tường không bị sạt lở. Theo nhận định của nhóm khảo cổ, đây là ao chứa nước phục vụ sinh hoạt và tế lễ của cư dân Óc Eo ở khu vực này.

Trong lúc đào hố thám sát sâu 40cm khu vực phía bắc ao thần thì nhóm khảo cổ phát hiện có đường gạch. Chính vì thế ông Thắng quyết định khai quật hố thứ 10 rộng 126m2 và phát hiện kiến trúc đền thờ. Đó là kiến trúc xây bằng gạch dài 11,1m, rộng 7,56m. Đền này mở cửa theo hướng đông lệch bắc. Nền có bốn lớp gạch. Dưới lớp gạch cuối cùng là lớp đất nện pha cát, đất vàng nâu pha với gạch vụn nhỏ. Nơi thờ phụng nằm ở trung tâm kiến trúc được xây bằng gạch xây kiểu chữ vạn (swastika), giống xây ống khói. Bên trong hố không có hiện vật do đã bị đào phá từ trước.

Sau đó nhóm khảo cổ tiếp tục khai quật hố 11 nằm trong khuôn viên miếu Hoàng Cô và phát hiện tiếp một kiến trúc đền thờ xây bằng gạch dài 16,8m, rộng 9m, cũng mở cửa theo hướng đông. Tuy nhiên toàn bộ nền và móng được xây thành khối đặc hoặc nện đất sét, không có lỗ trống hình vuông ở giữa. Kiến trúc thờ phụng trung tâm là vòng đá hình tròn, nhỏ và nhọn dần về phía dưới. Đáy vòng đá nằm ở độ sâu 1,37m. Hiện vật thờ phụng là ba miếng vàng.

Từ những cứ liệu tại chỗ và đối chiếu với kết quả khảo cổ nơi khác, PGS.TS Đặng Văn Thắng cho rằng nhiều khả năng kiến trúc đền thờ phát hiện ở hố khai quật thứ 10 là đền thờ thần Shiva. Trước đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhóm ba tháp của giai đoạn sớm của văn hóa Champa ở Quảng Nam và Ninh Thuận có kiểu thờ thần như sau: phía bắc thờ thần Brahma, ở giữa thờ thần Shiva và phía nam thờ thần Vishnu (Brahma, Vishnu và Shiva hợp thành bộ tam thần Trimurti của văn hóa Ấn Độ, trong đó Brahma là thần tạo hóa, Vishnu là thần bảo hộ và Shiva là thần hủy diệt). Còn tại Gò Tháp, năm 1998 khi khai quật gò Tháp Mười ở phía nam đã phát hiện đền thờ thần Vishnu với hai tượng thần Vishnu có niên đại thế kỷ thứ VI - VIII. Từ cơ sở này, ông Thắng cho rằng đền thờ tại hố khai quật số 10 chính là đền thờ thần Shiva.

Còn đền thờ tại hố khai quật số 11 được xác định là “đền thờ thần Surya - thần Mặt trời”. Chứng cứ thể hiện rõ ở cách sắp xếp nơi thờ hình tròn, nhọn dần về phía đáy và một mảnh vàng có hình tám tia, một mảnh vàng có hình tia mặt trời. Hình mặt trời bằng vàng khá giống với hình mặt trời bằng đá ở đền thờ thần Mặt trời Konark, Orissa tại Ấn Độ được xây bằng đá sa thạch khoảng năm 1250. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy tượng thần Surya bằng đá tại Gò Tháp có niên đại thế kỷ thứ VI. Tượng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Bảng giới thiệu về khu di tích Gò Minh Sư - Ảnh: V.Tr
Bảng giới thiệu về khu di tích Gò Minh Sư - Ảnh: V.Tr

Quần thể kiến trúc đền thờ

Theo Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, qua hàng loạt cuộc khai quật quy mô lớn đến nay đã xác định được khoảng 10 đền thờ (còn gọi là tháp thờ) dưới lòng đất.

Từ cổng di tích đi vào thì gặp ngay gò Tháp Mười, nằm cạnh phế tích Viễn vọng đài. Mặc dù chỉ mới khai quật phân nửa kiến trúc bên dưới gò nhưng các nhà khảo cổ học đã xác định được đây là đền thờ thần Vishnu, bởi vì đã phát hiện hai tượng thần Vishnu tại đây. Trong đó có một tượng cao 149cm, nặng 70kg đã được công nhận là bảo vật quốc gia trưng bày ở Bảo tàng Đồng Tháp và được đưa trưng bày trong chuyên đề “Đông Nam Á sớm: Điêu khắc Ấn giáo - Phật giáo từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ trong năm 2014.

Ngay bên cạnh gò Tháp Mười có hai đền thờ thần Shiva (thần Hủy diệt) và thần Surya (thần Mặt trời). Các đền thờ này được PGS.TS Đặng Văn Thắng phát hiện khi khai quật tường thành phía tây năm 2010. Hiện hai hố có kiến trúc này đã được tạm lấp lại để gìn giữ.

Đi tiếp vào phía trong khu di tích một đoạn vài chục mét có một hố khai quật năm 1984, cạnh chùa Pháp Linh. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một vỉa gạch xếp nhiều lớp tương tự các kiến trúc đền thờ khác trong khu vực, nhưng chưa khai quật xem đó là đền thờ thần nào. Khu vực kiến trúc này cũng chưa được đặt tên. Như vậy chỉ riêng khu vực nhỏ cạnh gò Tháp Mười, phía bên trái đường đã xuất lộ bốn kiến trúc đền. Các kiến trúc này được bố trí nằm cách nhau vài chục mét / cái.

Phía đối diện bên phải chùa Pháp Linh là một công trình mái che khổng lồ, kiên cố có ghi “Gò Minh Sư”. Đây là kiến trúc đền lớn nhất và là trung tâm của quần thể kiến trúc của Gò Tháp đã được khai quật năm 2009. Toàn bộ kiến trúc đã xuất lộ có tổng diện tích lên đến 400m2, lớn nhất trong các kiến trúc đã được khai quật.

Kiến trúc xây dựng tại gò Minh Sư rất độc đáo, khác với các kiến trúc đền thờ xung quanh. Gạch nung đỏ tươi được xếp chồng lên nhau rất đẹp mắt, trông như những bức tường thành vững chắc. Các nhà khảo cổ học đánh giá đây là kiến trúc đền thờ thuộc văn hóa Óc Eo đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phát hiện cho đến nay. Kiến trúc trung tâm gò Minh Sư có dạng một ngôi đền hình kim tự tháp cụt, cấu tạo gồm hai hình khối vuông xây nối tiếp nhau nằm theo hướng đông tây. Trong đó, hình khối vuông phía tây (đền) có mỗi cạnh rộng 14,95m. Còn khối vuông phía đông (tháp) xây gá vào kiến trúc đền, có mỗi cạnh rộng 4 - 4,2m. Do tìm được máng nước thiêng Somsutra bằng đá trên bề mặt di tích và phần đầu của yoni nên có căn cứ xác định đây là đền thờ thần Shiva.

Phía tây gò Minh Sư là khu vực thường được gọi là “khu gò Mộ” vừa được khai quật tháng 10-2013. PGS.TS Đặng Văn Thắng chủ trì khai quật 12 hố tại khu này, nhằm mục đích làm rõ tranh cãi về việc xác định các kiến trúc ở đây là mộ táng hay đền thờ. Cuộc khai quật trên quy mô 410m2 đã làm phát lộ một di tích dày đặc. Kết quả khai quật lần này thu được ba thông tin quan trọng là: di chỉ cư trú, đường đi của cư dân Gò Tháp xưa và đền thờ thần Uma - vợ thần Shiva. Ngoài ra, ở gần khu vực này trước đây phát hiện nhiều kiến trúc được cho là mộ táng, nhưng sau đợt khai quật năm 2013 đã có chứng cứ mới cho biết đó là đền thờ thần.

Ở phía cuối khu di tích là gò Tháp cổ được khai quật từ năm 1984. Tại đây đã phát hiện kiến trúc đền thờ thần Mặt trời - Surya. Như vậy, nếu đủ cơ sở khẳng định những kiến trúc tại Gò Tháp là đền thần như đã nêu thì hiện đã có khoảng 10 đền thờ được phát hiện.

_______________

Kỳ tới: Những cư dân 2.000 năm trước

Theo VÂN TRƯỜNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm