Ca sĩ Phúc Tiệp ‘Sống ở mỏ’ để làm MV 'Tôi là người thợ lò'

(PLO)- Ca sĩ Phúc Tiệp cho biết, anh đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-11, ca sĩ Phúc Tiệp, người được biết đến là một trong những giọng nam thính phòng hàng đầu hiện nay (hiện là giảng viên khoa thanh nhạc, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã chính thức giới thiệu MV Tôi là người thợ lò.

Điều đặc biệt của MV là ở quá trình xâm nhập thực tế của ca sĩ Phúc Tiệp trong đời sống của công nhân mỏ. Anh cho biết, MV được anh ghi hình vào năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19.

Cách đây ba năm, anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế Sống ở mỏ phát sóng trên VTV3, đây cũng là cơ hội để anh có dịp trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt thường nhật của công nhân mỏ.

“Chúng tôi được khoan vỉa than, ngồi nặn bua mìn, nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục ký xuống mỏ sâu, sửa chữa máy móc vận hành trên mặt đất... lúc đó tôi đã nghĩ tới việc làm MV này để quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ”- anh nói.

Có mặt tại sự kiện, NSND Quang Thọ, đồng thời cũng là người thầy của ca sĩ Phúc Tiệp đã dành thời gian để nói về những kỷ niệm của ông với ca khúc Tôi là người thợ mỏ.

“Lúc đầu bài hát trong bản thảo của nhạc sĩ Hoàng Vân có tên là Tôi là người thợ lò. Sau đó Tập đoàn Than xin phép nhạc sĩ đổi từ người thợ lò thành người thợ mỏ, vì thợ mỏ rộng hơn và được nhạc sĩ đồng ý”- NSND Quang Thọ nói.

NSND Quang Thọ. Ảnh: HÒA NGUYỄN

NSND Quang Thọ. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Từng là công nhân hầm lò, cũng là người thể hiện ca khúc Tôi là người thợ mỏ thành công, NSND Quang Thọ đánh giá, MV của ca sĩ Phúc Tiệp nghe rất mới, mang hơi thở, có sức sống và sáng tạo.

Bật mí thêm về quá trình thực hiện MV, ca sĩ Phúc Tiệp cho biết, anh đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày.

“Người ta có câu: Ăn cơm dương gian nhưng làm việc địa phủ là để nói về công việc lao động của những người thợ có lẽ là vì thế. Trong hầm sâu và tối, chỉ cần tắt chiếc đèn pin đeo trên đầu của mỗi người đi thì không gian xung quanh chắc giống như địa phủ rồi. Tôi muốn ghi lại sự hi sinh của họ trong MV này”- anh nói.

Ca sĩ Phúc Tiệp và các công nhân mỏ trong MV. Ảnh chụp màn hình.

Ca sĩ Phúc Tiệp và các công nhân mỏ trong MV. Ảnh chụp màn hình.

Cũng trong ngày 9-11, ca sĩ Phúc Tiệp cũng chính thức ra mắt album có tựa đề Vết xưa. Đây cũng là sản phẩm âm nhạc được anh thực hiện cách đây gần 3 năm.

Album quy tụ nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: Mùa hè đẹp nhất, Mùa đông sắp đến, Cơn mưa phùn (Đức Huy), Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn), Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Một lần cho tôi gặp lại em, Rồi cũng già (Vũ Thành An), Chiều một mình qua phố (Trịnh Công Sơn).

Chia sẻ về việc bỗng dưng “rẽ” sang hát một dòng nhạc khác với niềm đam mê của mình, Phúc Tiệp tâm sự, nhiều năm nay khi đã có chỗ đứng nhất định ở dòng nhạc thính phòng, anh trăn trở suy nghĩ đến việc mình vẫn thiếu một điều gì đó trong việc tiệm cận với cộng đồng nghe nhạc nói chung và đã tới lúc nên có sự bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt.

Dù vậy, anh tự nhủ, nếu có hát dòng nhạc nào kết hợp với ai đi chăng nữa thì cuối cùng trong đó vẫn phải có “chất” riêng. Ví như có một vài câu hát mà khi cất lên, anh được là chính mình và giọng hát phải thật “vỡ kính”.

“Album Vết xưa có thể nói là cuộc chơi của tôi trong âm nhạc, giống như một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục bản thân với nhạc xưa không hề dễ dàng chút nào, kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này có gì đó khác biệt với số đông những người khác” – Phúc Tiệp chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm