Các cựu lãnh đạo Vinashin chia chác trên trăm tỉ

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bốn bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC) về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, các bị can Nguyễn Ngọc Sự (cựu chủ tịch HĐTV Vinashin), Trương Văn Tuyến (cựu tổng giám đốc), Phạm Thanh Sơn (cựu phó tổng giám đốc) và Trần Đức Chính (cựu kế toán trưởng, trưởng ban tài chính) bị đề nghị truy tố theo Điều 355 BLHS năm 2015.

Lấy tiền lãi ngoài chia nhau bỏ túi

Theo hồ sơ, từ năm 2008 đến 2010, Vinashin lâm vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng và nguy cơ phá sản. Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc tái cơ cấu, quyết định điều chỉnh nguyên trạng các doanh nghiệp, các dự án của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Sau đó, Thủ tướng còn ban hành quyết định về xác định vốn điều lệ và cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho Vinashin.

Từ hai quyết định trên, Vinashin tiếp nhận 2.200 tỉ đồng từ PVN và 4.190 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thực hiện đề án tái cơ cấu. Vinashin đã sử dụng một phần lớn số tiền này để gửi có kỳ hạn vào Ngân hàng OceanBank.

Cụ thể, Vinashin có tổng doanh số tiền gửi tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long là 109.900 tỉ đồng và hơn 181,7 triệu USD, tiền lãi theo hợp đồng là hơn 1.099 tỉ đồng và hơn 29.638 USD.

Tại cơ quan CSĐT, Trần Đức Chính thừa nhận từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2014, Chính đã trực tiếp nhận 105 tỉ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng từ OceanBank. Theo sự thống nhất giữa các bị can, Chính được giao tiếp nhận, quản lý số tiền lãi ngoài nêu trên (không vào hạch toán) để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin.

Trong số trên, Chính đưa cho Nguyễn Ngọc Sự 50,5 tỉ đồng; Trương Văn Tuyến 15 tỉ đồng; Phạm Thanh Sơn 7,5 tỉ đồng; bản thân Chính 10 tỉ đồng; số còn lại chi hội họp, tiếp khách… Tuy nhiên, các bị can Sự, Sơn, Tuyến khẳng định chỉ nhận được số tiền ít hơn rất nhiều so với lời khai này.

CQĐT cáo buộc Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng 8 tỉ đồng; Trương Văn Tuyến chiếm hưởng 3,5 tỉ đồng; Phạm Thanh Sơn chiếm hưởng 1,2 tỉ đồng; Trần Đức Chính chiếm hưởng 10 tỉ đồng.

Bị can Trương Văn Tuyến (trái) và Nguyễn Ngọc Sự. Ảnh: TUYẾN PHAN

Những “bạn quen” của Hà Văn Thắm

Cũng liên quan đến chủ trương chi lãi ngoài, tại các phiên xét xử đại án OceanBank, cơ quan tố tụng xác định từ năm 2011 đến 2014 có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền vào OceanBank và nhận các khoản chi lãi suất ngoài hợp đồng.

Trong số đó, nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có vốn nhà nước (chủ yếu là nhóm thuộc PVN và SBIC). Các đơn vị này có dấu hiệu thông đồng với lãnh đạo, nhân viên của OceanBank để nhận lãi ngoài, hưởng lợi bất chính.

Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) từng gặp Nguyễn Ngọc Sự để kêu gọi Vinashin gửi tiền vào ngân hàng này. Thắm giao cho Nguyễn Thị Minh Phương (cựu phó tổng giám đốc) trực tiếp làm việc với Trần Đức Chính.

Nguyễn Thị Minh Phương được phân công và đã chi trả hơn 263 tỉ đồng cho khách hàng, gồm SBIC nhận hơn 105 tỉ đồng, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) hơn 76,5 tỉ đồng; Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVIs) gần 20 tỉ đồng; Tổng Công ty Vận tải Dầu khí gần 8 tỉ đồng…

Bắt về tội nhẹ, đề nghị truy tố tội nặng

Trước khi về Vinashin, cựu chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự được bổ nhiệm giữ chức phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ năm 2008 đến tháng 9-2010. Ông Sự được phân công phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác tài chính, kế toán và kiểm toán của tập đoàn.

Ông Sự từng bị triệu tập đến phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các cựu lãnh đạo PVN trong vụ án liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank.

Ông Sự bị khởi tố và bắt tạm giam từ ngày 25-1-2018 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015 (hình phạt cao nhất đến 15 năm tù).

Sau đó, ngày 10-2-2018, ông Trương Văn Tuyến bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Cuối cùng, tại bản kết luận điều tra, CQĐT đã đề nghị truy tố các bị can, trong đó có hai ông Sự và Tuyến, cùng về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội nặng hơn so với tội danh khi ông Sự bị khởi tố, có hình phạt lên đến tù chung thân).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm