Các dự án thủy lợi, thủy điện gây thiệt hại nhưng chậm bồi thường

(PLO)- Hàng chục hộ dân có diện tích canh tác tại hồ thủy lợi và hồ thủy điện bị ngập nhưng chưa nhận được khoản hỗ trợ, đền bù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (Kon Tum) xác nhận các nhà máy thủy điện đã cam kết và thực hiện đền bù đầy đủ cho người dân bị thiệt hại.

Thủy điện gây họa còn đùn đẩy trách nhiệm

Năm 2020, trong đợt mưa bão số 9, nhiều thủy điện ở thượng nguồn sông Đắk Psi bất ngờ xả lũ dồn dập khiến nhà ở, tài sản của 62 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 tại xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà bị ngập trong biển nước. Sau sự việc này, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện gây họa lại đùn đẩy, không nhận trách nhiệm đền bù.

Thủy điện Đắk Psi bậc 2 gây ngập lụt vùng hạ du. Ảnh: LÊ KIẾN

Thủy điện Đắk Psi bậc 2 gây ngập lụt vùng hạ du. Ảnh: LÊ KIẾN

Cụ thể, Công ty Đức Thành Gia Lai- chủ đầu tư dự án thủy điện Đắk Psi 5- cho rằng các nhà máy của mình ở hạ nguồn sông Đắk Psi có đập xả tràn tự do nên không thể gây họa. Thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2 của Công ty Đức Nhân Đắk Psi phải chịu trách nhiệm chính về những thiệt hại của dân.

Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Kon Tum, hiện còn 13 hộ bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận đền bù.

Tháng 6-2022, Sở Công Thương Kon Tum kết luận Công ty Đức Nhân Đắk Psi- chủ thủy điện Đắk Psi bậc 1 và 2- vận hành không đúng quy trình dẫn đến lũ chồng lũ ở vùng hạ du. Công ty Đức Thành Gia Lai thường xuyên thực hiện nạo vét hồ chứa ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ… Trên cơ sở đó, Sở Công Thương yêu cầu hai chủ đầu tư có trách nhiệm, thống nhất việc chia sẻ bồi thường cho 62 hộ dân.

Khu vực tài sản của 62 hộ dân bị ngập. Ảnh: LÊ KIẾN

Khu vực tài sản của 62 hộ dân bị ngập. Ảnh: LÊ KIẾN

Theo ông Phan Văn Học, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Psi, chính quyền địa phương nhiều lần mời người dân lên nhận tiền đền bù nhưng một hộ nhất quyết không nhận vì đòi đền bù giá cao. “Sở Công Thương đã có đề nghị doanh nghiệp gửi tiền đền bù vào tài khoản của xã, để cho địa phương giữ hộ. Khi nào người dân đồng ý thì chi trả” – ông Học nói.

Còn ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho rằng huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND xã Đắk Psi tuyên truyền vận động người dân nhận tiền đền bù. Lý do người dân chưa nhận là vì yêu cầu đền bù giá quá cao.

Hồ thủy lợi tích nước gây ngập nhà dân

Tháng 10-2020, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt đầu tư dự án hồ chứa nước Đắk N’ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long có tổng mức đầu tư hơn 137 tỉ đồng. Trong đó, gần 106 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Còn lại của ngân sách địa phương. Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (viết tắt là BQLDA) tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án sẽ cấp nước cho 680 ha cây trồng, trong đó có 100ha lúa nước thuộc xã Quảng Sơn và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân.

Quá trình thực hiện dự án có hơn 100 hộ dân (vẫn chưa có thống kê chính thức) bị ảnh hưởng và buộc phải thu hồi đất bàn giao cho dự án. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn không đồng tình phương án đền bù hiện nay của chính quyền địa phương. Họ cho rằng, việc áp giá đền bù là quá thấp, gây thiệt hại cho dân.

Người dân tự chế thuyền di chuyển qua hồ Đắk N’ting. Ảnh: VŨ LONG

Người dân tự chế thuyền di chuyển qua hồ Đắk N’ting. Ảnh: VŨ LONG

Phản ánh đến PV, ông Đào Xuân Lãnh (42 tuổi, ngụ thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn) cho biết kể từ khi đập hồ Đắk N’ting ngăn dòng, tích nước khiến gia đình anh và hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng.

“Nước dâng lên rất nhanh làm cho con đường đi lại của dân bị ngập sâu. Chúng tôi phải tự độ chế thuyền (thùng phuy, ván gỗ ghép lên và gắn sợi dây nối hai bờ) để đưa con đi học và lên rẫy” – anh Lãnh kể.

Còn ông Nguyễn Văn Việt (46 tuổi, ngụ xã Quảng Sơn) cho hay, hồ thủy lợi Đắk N’ting tích nước nhưng không thông báo người dân biết. “Nhà tôi có gần ba ha đất đã trồng cây cà phê, bơ, cam, xoài chuẩn bị cho thu hoạch bị ngập. Nước dâng lên rất nhanh và tràn vào nhà khiến chúng tôi không kịp trở tay. Thiệt hại của gia đình tôi không thể kể hết” – anh Việt cho hay.

Nhà dân sống gần hồ Đắk N’ting bị ngập. Ảnh: VŨ LONG

Nhà dân sống gần hồ Đắk N’ting bị ngập. Ảnh: VŨ LONG

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc BQLDA tỉnh Đắk Nông cho biết, dự án hồ thủy lợi Đắk N’ting chưa hoàn thành, nên chưa đưa vào vận hành, tích nước.

Trước khiếu nại của người dân, do xây đập khiến cho lượng nước trong hồ Đắk N’ting dâng làm ngập đường đi lại, hoa màu… theo ông Nghĩa, chủ đầu tư đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm hướng tháo gỡ.

Nước lòng hồ dâng lên làm ngập nhà ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: VŨ LONG

Nước lòng hồ dâng lên làm ngập nhà ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: VŨ LONG

“Đối với con đường đi lại của người dân bị ngập là con đường phụ, đường đi tắt trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao. Vì vậy, chủ đầu tư không thể làm thêm con đường mới cho dân, mà yêu cầu họ đi lại bằng con đường khác (đường chính)” – ông Nghĩa cho hay.

Liên quan đến đền bù công trình thủy điện, tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), dự án thủy điện Đăk Psi 2 của Công ty CP thủy điện Ry Ninh II - Đăk Psi đang vướng, chưa đền bù hết cho dân 1,4 tỉ đồng. Dự án này xây dựng từ tháng 6-2019, có công suất 3,4 MW với tổng mức đầu tư 131 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào III năm 2023.

Theo Sở Công Thương Kon Tum, dự án này đang nằm trong danh mục kiến nghị thu hồi. Hiện tại, mọi hoạt động liên quan đang tạm dừng. Vì thế, đơn vị sẽ không thực hiện chi trả đền bù, trừ khi được gia hạn, cho phép thi công trở lại.

UBND huyện Đắk Hà cho biết, huyện đã đề nghị Sở Công Thương tỉnh Kon Tum xem xét, yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Đức Thành - Gia Lai và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đăk Psi đẩy nhanh việc giải quyết về công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân trên địa bàn các xã Đăk Psi, Đăk Long. Trường hợp nếu các chủ đầu tư tiếp tục trì trệ, kéo dài thời gian, giải quyết không dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đất và tài sản có trên đất cho người dân, đề nghị Sở Công Thương xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền có chế tài xử lý theo quy định.

Theo đó, có 138 hộ dân ở các xã thuộc UBND huyện Đắk Hà bị ảnh hưởng bởi cơn bão, lũ năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm