Các nước chữa bệnh cho 'yếu nhân' ra sao?

Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe những nhà lãnh đạo quốc gia được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm nặng nề ở mỗi nước. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nước mà chế độ y tế sẽ khác nhau nhưng điểm chung là đều hướng tới việc đảm bảo yếu nhân có được sức khỏe tốt nhất trong thời gian còn lãnh đạo đất nước.

Mỹ: Bệnh viện “đặc trị” cho tổng thống

Trung tâm Y tế quân đội quốc gia Walter Reed ở tiểu bang Maryland, Mỹ là một trong số những cơ sở y tế quan trọng của quân đội nước này. Không chỉ phục vụ sĩ quan quân đội, đây còn là nơi chịu trách nhiệm về sức khỏe cho nhiều đời tổng thống Mỹ từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Năm 1939, Quốc hội Mỹ đồng ý kế hoạch xây dựng một trung tâm y tế dành riêng cho Hải quân Mỹ. Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt đã chọn vùng đất Bethesda ở tiểu bang Maryland để xây dựng. Do đó, ngoài tên chính thức là Trung tâm Y tế hải quân quốc gia, nơi đây còn có một tên gọi khác là BV Quân đội Bethesda. 

Năm 2010, trung tâm được mở rộng và hiện đại hóa, trở thành nơi chăm sóc sức khỏe cho tất cả lực lượng quân sự tại Washington và được đổi tên như hiện nay.

Ban đầu Bethesda chỉ được sử dụng làm nơi chăm sóc y tế cho các sĩ quan quân đội Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Roosevelt bị liệt hai chân, Bethesda đã ngay lập tức trở thành nơi cung cấp thuốc men và chăm sóc y tế để ông có thể tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Cựu Tổng thống Mỹ Nixon từng được điều trị tại Bệnh viện Walter Reed khi ngã bệnh trong quá trình tranh cử. Ảnh minh họa: ABC NEWS

Năm 1963, khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas, Walter Reed trở thành nơi phục vụ công tác khám nghiệm thi thể tổng thống. Năm 1985, Ronald Reagan chọn Bethesda làm nơi phẫu thuật cắt bỏ khối u đại tràng. Hai năm sau đó, cũng tại đây ông tiếp tục được các bác sĩ của Walter Reed làm phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt. Khi đó sức khỏe của Reagan đã rất yếu.

Năm 2014, đương kim Tổng thống Barack Obama cũng đã đến Walter Reed để kiểm tra sức khỏe sau khi bị chứng đau họng kéo dài. Mọi chi phí y tế tại Walter Reed, kể cả điều trị cho tổng thống Mỹ hay người thân đều do họ tự chi trả bằng tiền riêng.

Trung Quốc: Phòng bệnh sau lớp cửa chống đạn

Tại Trung Quốc, chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc sức khỏe các nhà lãnh đạo là BV 301, được biết đến với tên gọi chính thức là BV Trung ương Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cũng giống như Walter Reed của Mỹ, đây vừa là nơi cung cấp các dịch vụ y tế cho sĩ quan quân đội, vừa là nơi bảo đảm sức khỏe cho những người đứng đầu đất nước.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc như ông Đặng Tiểu Bình, cựu Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm và một trong tám bậc “bát đại nguyên lão - khai quốc công thần” Vương Chấn đều đã được chữa trị tại bệnh viện này. 

Theo tờ The Epoch Times, cơ sở y tế này vốn là một trường học trước khi được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lập thành bệnh viện vào năm 1957, cũng mang tên là Trường 301. Sau khi đổi chức năng thành bệnh viện, cái tên 301 vẫn được giữ nguyên.

Theo tờ China Weeks, “tòa nhà phía Nam” của BV 301 là nơi được canh phòng cẩn mật và nghiêm ngặt nhất toàn bộ cơ sở y tế. Chỉ những người có giấy phép đặc biệt mới được ra vào tòa nhà này. Tất cả cánh cửa đều được gia cố cửa chống đạn và luôn có ít nhất là ba sĩ quan quân đội canh gác. Đây chính là nơi điều trị y tế dành riêng cho các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Vào năm 1976, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng được phẫu thuật khẩn cấp tại tòa nhà này. Để đảm bảo mức độ bí mật của cuộc phẫu thuật, toàn bộ tầng năm của tòa nhà phía Nam đã được “sơ tán”, các phòng họp hội chẩn, một phòng bệnh và một thang máy đã đươc triển khai dành riêng cho ông.

Tại Bắc Kinh còn có một bệnh viện khác có nhiệm vụ điều trị và chăm lo sức khỏe cho các yếu nhân chính trị của Trung Quốc, đó là BV 305. Theo ông Wang Juntao, cựu biên tập viên của tờ Economics Studies Weekly, BV 305 từng là nơi điều trị cho nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.

Triều Tiên: Bí mật “rước thầy ngoại” về chữa trị

Cùng với đợt biến mất bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm ngoái, hãng tin Reuters đã lật lại những lần “công tác” đầy bí mật của một bác sĩ người Pháp được Triều Tiên mời về để chữa trị cho ông Kim Jong-il, cố lãnh đạo Triều Tiên và cũng là cha của ông Kim Jong-un.

Mọi việc bắt đầu vào năm 1993, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh người Pháp Francois-Xavier Roux bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một quan chức giấu tên tại Triều Tiên. Ông được thông báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ, ông Kim Jong-il, đã bị tai nạn và chấn thương ở vùng đầu khi đang cưỡi ngựa. Các bác sĩ Triều Tiên cần tham khảo ý kiến của ông.

15 năm sau cuộc điện thoại “định mệnh” đó, vị bác sĩ người Pháp vào năm 2008 lại một lần nữa được các quan chức Triều Tiên liên hệ. Phía Triều Tiên nhấn mạnh rằng đây là một “trường hợp khẩn cấp” và cần đến sự giúp đỡ của ông nhưng vẫn giấu kín thông tin rằng ông sẽ điều trị cho nhân vật nào. Ông ngay lập tức được đưa lên chuyến bay đến Triều Tiên, đến khi bước chân vào phòng bệnh của ông Kim Jong-il, ông mới biết rằng bệnh nhân của mình chính là người quyền lực nhất Triều Tiên. 

Theo ông Roux kể lại, thấy tình hình sức khỏe của ông Kim Jong-il là quá “cấp thiết”, các bác sĩ Triều Tiên phải lập tức mời một bác sĩ nước ngoài “đáng tin cậy” tham gia, vì chỉ có ông mới “dám” hỏi bệnh cặn kẽ và “chỉ đạo” ông Kim buộc phải làm gì để khỏi bệnh.

Cũng trong chuyến công tác ly kỳ này ông Roux đã có cơ hội tận mắt chứng kiến những cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc y tế dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, điều mà ít có người nào bên ngoài đất nước “bí ẩn” này có cơ hội biết đến. 

Theo ông, các bác sĩ điều trị cho nhà lãnh đạo Triều Tiên có năng lực rất cao. Mức độ chuyên môn trong những lần hội chẩn với các đồng nghiệp Bình Nhưỡng được ông Roux đánh giá là không thua kém gì các bác sĩ tại châu Âu. Tất cả trang thiết bị y tế mà ông Roux cần có, phía Bình Nhưỡng gần như có thể cung cấp đầy đủ và đều có chất lượng tốt.

Trong những năm tháng cuối đời của mình, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thường xuyên lui đến bệnh viện “tuyệt mật” Ponghwa ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng để kiểm tra sức khỏe. Ponghwa được bao bọc bởi dày đặc những hàng cây khiến cho nó gần như vô hình nếu nhìn từ những con đường ở khu trung tâm Bình Nhưỡng. Không có ai được phép chữa trị tại trung tâm này ngoại trừ các nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên và các thành viên gia đình của họ. 

Trung tâm được quân đội Triều Tiên bảo vệ nghiêm ngặt và được trang bị riêng một bãi đáp trực thăng. Trong lần “biến mất” trong năm 2014 vừa qua, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được đưa đến cơ sở y tế này để điều trị.

Lời đồn “hạ sát yếu nhân chính trị” tại Trung Quốc

Một chi tiết ly kỳ về BV 301 được tờ The Epoch Times tiết lộ: Các nhân vật được “đồn đoán” là đối thủ chính trường của thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng được điều trị tại đây. Một vài người trong số họ đã không thể qua khỏi cơn “bạo bệnh”. Ông Trương Côn Sinh, cựu Chủ tịch nước Trung Quốc, một trong “bát đại nguyên lão” và từng là người có quyền lực chỉ đứng sau Đặng Tiểu Bình, đã được đưa vào BV 301 để trị “cảm cúm”. Nhưng sau đó ông Trương Côn Sinh đã bất ngờ qua đời vào năm 1998. Những lời đồn đoán cho rằng từ khi ông Giang Trạch Dân trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc, ông Trương Côn Sinh thường hay chỉ trích chính sách của ông Giang vì để lan tràn hiện tượng hối lộ, thăng chức vô tội vạ. Tuy nhiên, đến nay “mưu sát Trương Côn Sinh” vẫn là những lời đồn đoán cảm tính và chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào.

Tổng thống Mỹ được bảo vệ 10 năm sau khi về hưu

Ở Mỹ, sau khi các tổng thống về nghỉ, họ vẫn được cơ quan mật vụ bảo vệ và hưởng những chế độ ưu đãi về y tế đặc biệt. Bill Clinton là tổng thống Mỹ cuối cùng được hưởng quyền được bảo vệ suốt đời. Những tổng thống sau đó chỉ được cơ quan mật vụ bảo vệ trong thời gian 10 năm từ sau khi nghỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm