Theo điều tra của nghị sĩ Đảng Xã hội Pháp René Dosière, mỗi cựu tổng thống được hưởng những “lợi ích” trị giá 1,5-2 triệu euro/năm mà chưa bao giờ được đặt trong bối cảnh pháp lý đúng nghĩa. Hiện Pháp phải chi gần 5 triệu euro/năm cho ba cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, Jacques Chirac và Valéry Giscard d’Estaing.
Về hưu hạng VIP
Giống như các cựu tổng thống khác sau khi mãn nhiệm kỳ, ông Sarkozy được hưởng một căn hộ lộng lẫy, một ôtô cùng hai tài xế riêng, một nhóm hộ tống 2-3 cảnh sát và một nhóm khác bảo vệ người thân của ông. Ngoài ra, ông Sarkozy cũng được đi xe lửa, máy bay, tàu thủy ở ghế hạng sang và miễn phí. Trong các chuyến du lịch ở nước ngoài, cựu tổng thống cũng được cơ quan ngoại giao Pháp đón tiếp và bảo vệ như tổng thống đương nhiệm. Ngay cả khi cựu tổng thống qua đời thì phu nhân của ông vẫn được hưởng một phần chế độ mà ông có.
Báo Challenges cho biết dù có quyết định theo đuổi nghiệp chính trị hay không, ông Sarkozy vẫn được hưởng khoản trợ cấp 6.000 euro/tháng. Do ông tiếp tục giữ vai trò cố vấn trong Hội đồng hiến pháp nên có thêm mức lương 12.000 euro/tháng. Tổng cộng mỗi tháng cựu tổng thống Sarkozy có thể bỏ túi 18.000 euro.
Vào thời điểm chuyển giao quyền lực giữa ông Sarkozy và tân Tổng thống François Hollande, Đài phát thanh Europe 1 lần đầu tiên đưa tin về việc ông Sarkozy thuê nhiều văn phòng trên đường Miromesnil thuộc quận 8 ở Paris. Số tiền thuê do chính phủ chi trả, lên đến 180.000 euro/năm, tương đương 15.000 euro/tháng. Ngoài ra, chính phủ còn phải trả lương cho bảy cộng sự của ông Sarkozy khi những người này được trú ngụ trong diện tích 323m².
Tất cả những lợi ích đó đều là những “đặc ân cao cấp” mà Thủ tướng Laurent Fabius, dưới thời tổng thống François Mitterrand, đã ưu ái ký duyệt vào năm 1985. Có vẻ tân Tổng thống François Hollande muốn cải cách những “đặc ân” riêng biệt trên khi đối mặt với nền kinh tế khó khăn nhưng ông vẫn chưa dám thực hiện khi chưa tìm được tiếng nói chung và cũng vì những “lợi ích” riêng sau này của ông nữa, báo chí Pháp bình luận.
Mỗi cựu tổng thống Mỹ tiêu 1 triệu USD
Lực lượng cảnh vệ Pháp thực tập bảo vệ yếu nhân dưới sự hướng dẫn của lực lượng SPHP hôm 14-3 - Ảnh: IPR
Nhân vật tiêu tốn tiền của Nhà Trắng nhiều nhất trong năm 2012 là cựu tổng thống George W. Bush (con) với hơn 1,3 triệu USD. Sở dĩ như vậy, theo Đài CBS, là do Nhà Trắng cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho cựu tổng thống. Bên cạnh các khoản kể trên, ông Bush còn có thêm khoảng 400.000 USD tiền trợ cấp cho một văn phòng 743m2 tại Dallas, 85.000 USD cước điện thoại và 60.000 USD tiền du lịch.
Đứng thứ nhì với số tiền ít hơn 1 triệu USD là cựu tổng thống Clinton. Người tiền nhiệm trước đó là George H. W. Bush nhận khoảng 840.000 USD, trong khi cựu tổng thống Jimmy Carter chỉ có khoảng 500.000 USD.
Báo Daily Mail cho biết ngoài 3,7 triệu USD mà Nhà Trắng chi trả cho các cựu tổng thống, Cơ quan mật vụ Mỹ hằng năm cũng phải chi nhiều tiền trong công tác an ninh nhằm bảo vệ các cựu tổng thống, vợ/chồng và con cái của họ.
Báo cáo từ Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng đưa ra câu hỏi về việc chính phủ có nên trợ cấp quá hào phóng như vậy trong khi các nhà lập pháp và các cơ quan liên bang đang tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu và thâm hụt ngân sách trước khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Theo đạo luật Former Presidents Act, bốn cựu tổng thống hiển nhiên nhận được lương hưu là 150.000 USD/năm/người cùng với 96.000 USD để trả lương cho thư ký riêng. Tức là ngân sách lương chiếm hơn 1 triệu USD/năm cho bốn ông. Hãng tin AP cho biết chi phí còn lại thì Nhà Trắng dành chi cho các góa phụ của những tổng thống đã qua đời, rồi nào là những chuyến du hành, phí cho lực lượng bảo vệ tổng thống cũng như người thân, văn phòng làm việc, bưu phí... Tuy nhiên, các cựu tổng thống chỉ được cấp đội bảo vệ trong 10 năm kể từ ngày mãn nhiệm kỳ.
Pháp cắt giảm lực lượng bảo vệ yếu nhân Mỗi năm, Chính phủ Pháp phải chi 71.000 euro (gần 90.000 USD) để trả lương cho một nhân viên thuộc Cơ quan bảo vệ yếu nhân (SPHP), theo tiết lộ mới nhất của Cơ quan kiểm toán chi tiêu và cố vấn cho chính phủ về chính sách của Pháp. Báo Le Progrès nhận định con số này không hề nhỏ trong bối cảnh nợ công ở Pháp vẫn chưa giảm. Do vậy, Pháp sẽ có những thay đổi trong đội ngũ bảo vệ các nhân vật cấp cao. Theo báo Le Point, lực lượng SPHP sẽ sớm được tách ra để hòa nhập chung với hai cơ quan khác là đội bảo vệ tòa nhà của Bộ Nội vụ và đội phụ trách bãi xe của quảng trường Beauvau. Ngoài ra, quân số của nhóm an ninh phủ tổng thống (GSPR) - đơn vị chịu trách nhiệm an ninh ở điện Elysée và phụ trách bảo vệ tính mạng tổng thống, gia đình cũng như những người mà tổng thống chỉ định - cũng đã giảm từ 80 còn 60 người. Tuy nhiên, việc con riêng của bà Valérie Trierweiler, người tình của Tổng thống Pháp François Hollande, được GSPR bảo vệ cũng đang gây tranh cãi. Lý do: ngân sách chính phủ không dùng để chi cho công tác bảo vệ một đứa trẻ không có mối quan hệ huyết thống nào cả với tổng thống. Hà An |
Theo Hà An - Anh Thư (Tuổi Trẻ)