Như Pháp Luật TP.HCM vừa thông tin, sáng 9-11, thừa ủy quyền của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, đã thông tin về các vụ máy bay rơi năm 2016.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, có nhiều nguyên nhân khiến các vụ máy bay rơi tăng đột biến. Công tác lãnh đạo chỉ đạo an toàn bay có vấn đề, do lỗi chủ quan.
Trước năm 2014 ít xảy ra tai nạn máy bay, do đó có chủ quan trong bảo đảm an toàn bay, rút kinh nghiệm chưa đến nơi đến chốn. Vì vậy tai nạn xảy ra liên tiếp nhưng không được rút kinh nghiệm cụ thể.
“Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thấy rằng công tác đào tạo cán bộ chưa cơ bản, đánh giá và sử dụng một số vị trí không đúng năng lực, nhận thức về công tác bảo đảm an toàn bay là chưa đúng với yêu cầu”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói.
Đồng thời, phương tiện cứu hộ cứu nạn thiếu đồng bộ. “Chúng ta cũng muốn điều nhiều máy bay để tìm kiếm cứu nạn nhưng không phải máy bay nào cũng cứu hộ cứu nạn được mà phải là máy bay chuyên dụng. Hiện nay phương tiện tìm kiếm cứu nạn cứu hộ hàng không của Việt Nam là rất ít”, Thiếu tướng Hoàng nhận định.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng: "Máy bay có thể mua được nhưng phi công mất đi thì không tìm lại được". Ảnh: CHÂN LUẬN
Bên cạnh đó, công tác quản lý phi công là còn lỏng lẻo. “Việc này quân chủng phòng không không quân cũng đã nhận lỗi về đơn vị mất an toàn bay, kể cả công tác tập huấn cho đội ngũ phi công”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói.
“Quân ủy Trung ương xác định trách nhiệm trước tiên là do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và trực tiếp là lỗi của các đơn vị không quân có tai nạn máy bay xảy ra. Chính vì vậy quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng đã kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân cơ quan đơn vị”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng khẳng định.
Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cũng đề cập đến việc phải rà soát chất lượng máy bay, nhà trường và đơn vị. “Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã nhận ra điều này và làm tốt công tác rà soát đánh giá máy bay và kể cả đánh giá cơ quan nhà trường huấn luyện bay, kiểm tra toàn diện các đơn vị phòng không không quân”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói và đề cập cả việc đưa cán bộ đi đào tạo trong nước, nước ngoài và kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường mua sắm thiết bị để bảo đảm an toàn bay.
“Rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ tổn thất này của QĐND Việt Nam. Đây cũng chính là tổn thất của nhân dân. Các phi công mất đi không tìm lại được. Những phi công này có nhiều người rất “lão luyện”, những giờ bay của họ là giờ bay vàng. Mất máy bay có thể dành dụm mua lại nhưng phi công mất đi thì tổn thất rất lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói khi kết thúc phần trình bày.