Cách nhận biết chất lượng không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe

(PLO)- Chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (AQI).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, tại một số TP đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nghiên cứu, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI).

AQI được tính theo thang điểm (6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Cụ thể, khoảng giá trị AQI từ 0-50, màu sắc xanh, chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Khoảng giá trị AQI từ 51-100, màu sắc vàng, chất lượng không khí trung bình, ở mức chấp nhận được.

Tuy nhiên đối với những người nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch,…) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe.

Khoảng giá trị AQI từ 101-150, màu sắc da cam, chất lượng không khí kém. Những người nhạy cảm có thể gặp phải các vấn đề ảnh hưởng sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.

Khoảng giá trị AQI từ 151-200, màu sắc đỏ, chất lượng không khí xấu. Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Khoảng giá trị AQI từ 201-300, màu sắc tím, chất lượng không khí rất xấu. Đây là mức độ cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Khoảng giá trị AQI từ 301-500, màu sắc nâu, chất lượng không khí nguy hại. Đây là mức độ cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe. Toàn bộ dân số bị ảnh hưởng sức khỏe đến mức nghiêm trọng.

chất lượng không khí - 1
Ô nhiễm không khí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Internet

Bảo vệ sức khỏe thế nào khi AQI cao

Để bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe chung.

Cụ thể, ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đúng quy cách; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí; nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá, thuốc lào (không nên hút thuốc trong nhà); thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ.

Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi), nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm, nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng; nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị.

Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khoẻ định kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm