Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng nêu ý kiến về sự cấp thiết phải cải cách tiền lương.
Báo cáo trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp thứ sáu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 của Trung ương sẽ bắt đầu từ ngày 1-7-2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với khu vực công và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định…
Thủ tướng cũng khẳng định: Nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm từ 2024 đến 2026.
Thực ra, nếu không vì dịch COVID-19 thì cải cách tiền lương đã được thực hiện đúng theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương. Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ và cả hệ thống cũng nỗ lực, cố gắng để việc cải cách tiền lương được diễn ra đúng lộ trình. Đề án cải cách tiền lương, vị trí việc làm… được Chính phủ chuẩn bị công phu. Các đề án khác, chẳng hạn như đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” được Thủ tướng phê duyệt năm 2019 cũng được triển khai nhằm hỗ trợ cho nỗ lực minh bạch hóa nền kinh tế và phục vụ cải cách tiền lương.
Nghị quyết 27 nêu quan điểm của Trung ương: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động…”.
Những định hướng tốt đẹp này không may lại đang bị các mặt đối lập từ thực tiễn làm lu mờ đi ít nhiều. Có đại biểu Quốc hội nói lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng sao mà sống được thì thực tiễn có trường hợp một tướng về hưu có thể nhận hối lộ tới 35 tỉ đồng trong một vụ việc. Lương cơ sở sau nhiều lần điều chỉnh tăng lên được 1,8 triệu đồng/tháng thì người ta lại thấy có những vụ chạy án lên tới gần 3 triệu USD như ở vụ chuyến bay giải cứu hay ở vụ BV Thủ Đức.
Các mặt đối lập ấy cho thấy một thực tế rằng: Việc phân phối thu nhập quốc dân cho công dân qua chế độ tiền lương đương nhiên quá cần thiết. Nhưng cải cách tiền lương thực ra vẫn phải quay về vấn đề căn bản là phải có tiền. Dự toán thu ngân sách hằng năm của cả nước thường vào khoảng 1,7-1,8 triệu tỉ đồng nhưng các nhiệm vụ chi, trả nợ… còn rất nặng nề; đầu tư cho phát triển Chính phủ nỗ lực tăng lên hằng năm nhưng cũng không nhiều. Các nguồn dành cho cải cách tiền lương cũng phải chắt chiu nhiều năm mới để dành đủ.
Muốn thu được ngân sách nhiều để phát triển đất nước, để cải cách tiền lương thì lại cần phải cải cách thể chế để kinh tế phục hồi, cất cánh. Muốn cải cách thể chế thì công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp lại phải tiến hành nhanh, đúng, trúng. Chẳng hạn thay vì chỉ tháo gỡ khó khăn bằng cách sửa luật, nghị định, thông tư… thì từ nay có lẽ lập pháp còn phải xem xét bỏ đi các luật không cần thiết như một số chuyên gia đề xuất. Quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” cần được thực thi thực chất, mang tính răn đe chứ không phải để triệt tiêu động lực kinh doanh.
Có như vậy thì cải cách tiền lương, như Trung ương xác định, mới “góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”.