Cấm đường, tìm nguyên nhân vụ sụt lún ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Hố sụt lún lan rộng có thể vào nhà dân
Theo quan sát, sáng cùng ngày, hố sụt trên đường Trường Sa (phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM) tiếp tục lún sâu vào khoảng 5 m, rộng 5 m, dài 8 m, bùn nhão đầy dưới hố. Lực lượng chức năng bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học đã đến hiện trường nhìn nhận và đánh giá sự cố.
Theo ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường - Cảng, TP.HCM, sự cố trên không đơn thuần chỉ là hiện tượng sụt lún bình thường, đây là sự cố nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến cả khu vực ở đây nếu không xử lý cẩn thận. “Đây là một sự cố nghiêm trọng mà cần phải xử lý gấp, nếu không nó sẽ ảnh hưởng, công trình tiếp tục lún, tiếp tục sụt xuống nữa và nếu ta không cẩn thận nó có thể vào đến nhà dân” - ông Trường nói.
Hố sụt lún xuất hiện trên đường Trường Sa vào ngày 4-8.
Nhiều người dân sống tại khu vực cho biết trước đó đã từng ghi nhận nhiều lần xảy ra sụt lún cùng địa điểm. Sự cố liên tục xảy ra khiến người dân hoang mang và lo lắng. “Trước đây từng xảy ra sụt lún nhiều lần nhưng nhỏ hơn, lần này hố sụt quá lớn. Đường thì bị chặn, nếu thời gian kéo dài thì người dân không biết buôn bán thế nào” - bà Nguyễn Thị Ngà, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nói.
Theo các chuyên gia, sự cố sụt lún tại đoạn đường trên có khả năng do hệ thống cống ngầm nằm cách mặt đất 7 m, nối từ Trường Sa qua đường Hoàng Sa bị sự cố, có thể bị đứt gãy khiến nước tràn ra với lưu tốc mạnh đã kéo theo nền vật liệu dưới mặt đường xuống gây ra hiện tượng trên.
“Nếu qua kiểm tra phát hiện đứt gãy, vỡ đường cống thì việc cần làm là cô lập vùng này lại, tháo nước, đào đất lên và thay hệ thống cống khác” - ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường - Cảng, TP.HCM nhận định.
Hố sụt lún trên đường Trường Sa mở rộng trong ngày 5-8 được đánh giá là nguy hiểm chưa từng có.
Theo quan sát, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa hoàn toàn đoạn đường qua khu vực trên để điều tra nguyên nhân và khắc phục sự cố.
Cấm đường, đóng cừ tìm nguyên nhân
Chiều 5-8, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức buổi họp khẩn do ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở, chủ trì với sự tham gia của các bên liên quan như Trung tâm chống ngập, nhà thầu, Ban quản lý Dự án Vệ sinh môi trường TP, Khu quản lý Giao thông Đô thị số 1 và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật…
Thông tin cụ thể là vụ sụt lún bắt đầu từ ngày 4-8 với vết sụt dài 7 m, rộng 4 m, sâu 0,7 m. Đến 21 giờ cùng ngày thì lan ra với kích thước dài 10 m, sâu 3 m, rộng 4 m.
Chiều 5-8, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm phương án xác định nguyên nhân, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại vì trước đây ở vị trí này đã từng xảy ra lún sụt. Cụ thể, vào ngày 4-3 và ngày 20-4. Tuy nhiên đây chỉ là sụt lún nhẹ và đã được khắc phục. Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 đưa ra thông tin, cùng thời điểm xảy ra vụ sụt lún ngày 4-8, cách đó 50 m cũng xuất hiện tình trạng sụt lún, với diện tích chiều rộng 0,4 m sâu 0,5 m.
Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường - Cảng, TP.HCM đánh giá hố này lớn nhất tại TP.HCM từ trước đến nay, rất nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hố có chiều ngang 4 m, dài 7 m và sâu đến 3 m có thể nhét được chiếc xe buýt. Hiện các cơ quan đã vào cuộc để khảo sát và chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng với kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì ông Trường nhận định có thể do đường ống cống nằm sâu dưới mặt đường của dự án 7A bị vỡ.
Các bên đều thống nhất ở quan điểm phải đóng cừ, sau đó đào lên xác định nguyên nhân mới có cách xử lý phù hợp.
Đại diện Công ty Thoát nước đô thị (UDC) cho rằng trước mắt phải đóng cừ gia cố sau đó sẽ mở làn đường cho người dân lưu thông. “Hiện nay, chúng tôi đang tập kết phương tiện, nhân lực để thực hiện phương án đóng cừ từ lúc 16 giờ ngày 5-8 đến 17 giờ đến 8-8, chậm nhất là đến Chủ nhật sẽ đảm bảo cho người dân qua lại. Vì vị trí sụt lún là nơi tập trung của hai tuyến cống nên sẽ chặn các tuyến cống không cho nước về. Chậm nhất tối mai sẽ gia cố xong. Sau đó sẽ cho người, phương tiện hoặc robot xuống thăm dò, nếu không phát hiện được nguyên nhân thì sẽ đào lên để các bên tiến hành khảo sát tìm nguyên nhân" - đại diện UDC nói.
Tổng kết cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết việc triển khai kiểm tra nguyên nhân phải hết sức khẩn trương, song song với việc tiến hành đóng cừ, mở lối cho người dân đi lại. Trước khi trả lại mặt đường, Khu quản lý Giao thông Đô thị số 1 phải tiến hành kiểm tra kỹ tránh để sự cố đáng tiếc xảy ra.
Ông Minh cũng đề nghị các đơn vị liên quan gồm: Khu quản lý giao thông số 1, Thanh tra giao thông, Công ty thoát nước đô thị, hai nhà thầu, Trung tâm chống ngập phải phối hợp chặt chẽ và làm báo cáo bằng văn bản gửi về sở hàng ngày để nắm thông tin và đưa ra những giải pháp và hướng xử lý.