Cán bộ, công chức nhập ngũ: Tạo sự bình đẳng, phát huy trí tuệ

Trước ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Từ năm 2015 sẽ tập trung gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi nghĩa vụ quân sự” (xem thêm bài “Cán bộ, công chức cũng phải nhập ngũ”, Pháp Luật TP.HCM ngày 15-8) nhiều bạn đọc ủng hộ nhưng cũng không ít người chưa đồng tình. Chúng tôi xin đưa ra hai luồng ý kiến để bạn đọc cùng bàn luận, góp ý.

ỦNG HỘ

Nâng cao lòng tự hào dân tộc

Lực lượng tham gia quân đội ngoài các yếu tố cần thiết như trẻ, khỏe còn rất cần có trình độ để làm chủ những trang thiết bị quân sự hiện đại hiện nay. Nói gì thì nói cán bộ, công chức, viên chức cũng đã có kiến thức, khả năng nhất định, dễ dàng huấn luyện, tiếp thu. Mặt khác, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ cơ bản, thiêng liêng, việc trốn là không thể chấp nhận.

Việc học tập, làm việc hay nhập ngũ cũng nhằm bảo vệ, phát triển đất nước. Nếu anh làm gì cho riêng mình thì trước hết anh phải làm cho cái chung. Nếu không có cái chung, không có độc lập, chủ quyền thì cũng không có cái riêng để phấn đấu.

Do đó, theo tôi, việc gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội nhập ngũ là phù hợp.

Điều nữa mà tôi trăn trở là làm sao giải quyết được vấn đề nhận thức của một số thanh niên rằng tham gia quân đội không phải là khoảng thời gian chết. Nó là khoảng thời gian quý báu để chúng ta góp phần bảo vệ Tổ quốc, thể hiện tình yêu Tổ quốc. Là khoảng thời gian giúp bản thân rèn luyện thể chất, sức khỏe, bản lĩnh chính trị, đạo đức, kiến thức…

Cán bộ, công chức nhập ngũ: Tạo sự bình đẳng, phát huy trí tuệ ảnh 1

Các tân binh chuẩn bị xuất quân trong đợt giao quân đầu năm 2014 tại quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Mỗi con người đều có lòng tự hào dân tộc, nếu chúng ta chạm được vào đó, khơi dậy ý thức dân tộc thì có lẽ việc tham gia nghĩa vụ quân sự (NVQS) không còn là việc làm mang tính áp đặt. Tôi tin khi chúng ta làm tốt công việc này trong thời gian dài và biến nó trở thành nề nếp thì lớp lớp thanh niên chúng ta sẽ ý thức được rằng chẳng có gì là thiệt thòi, chậm trễ cả; sau khi hoàn thành NVQS, chúng ta sẽ tiếp tục lập kế hoạch tương lai.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phát triển nhiều kỹ năng

Sau khi thi tốt nghiệp THPT, tôi không theo học trường đại học hay cao đẳng nào mà quyết định đi bộ đội. Những tháng ngày sống trong quân đội đã rèn luyện, giúp tôi trưởng thành hơn. Lúc còn ở nhà, mọi sinh hoạt của tôi hầu như không theo giờ giấc nhất định. Tôi muốn làm gì thì làm, không có tính kỷ luật. Còn ba từ “tập thể dục” hầu như không có trong đầu tôi. Vậy mà sau hai năm trong quân đội, tôi trở thành một người khác, sống có trách nhiệm, kỷ luật hơn và quyết đoán hơn trong mọi tình huống.

Do vậy khi có ý kiến đề cập đến việc cán bộ, công chức, viên chức cũng phải nhập ngũ, tôi rất đồng tình. Tôi nghĩ kỷ cương trong quân đội rất cần thiết với mọi người, trong đó có những cán bộ, viên chức làm trong cơ quan nhà nước chứ không cho riêng một ai cả.

ĐOÀN QUỐC DUY, ấp Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa, Long An

BĂN KHOĂN

Sẽ làm xáo trộn cuộc sống

Đành rằng nhập ngũ là một trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, khó có thể chối bỏ. Nhưng để gọi các cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhập ngũ trong khi đang làm việc thì tôi thấy có điều gì đó còn lấn cấn. Bởi lẽ họ cũng đang làm việc để phục vụ cho người dân. Hai nhiệm vụ này gần như ngang bằng nhau, nhiệm vụ nào cũng là phục vụ cho nhân dân, cho đất nước cả.

Thứ nữa, nếu như cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc lại phải thực hiện NVQS thì ai làm thay họ. Nếu tuyển người mới vào lại phải mất thời gian đào tạo. Rồi sau khi nhập ngũ, họ có được làm lại công việc cũ không hay phải vào công tác nơi khác. Liệu như vậy có làm cho cuộc sống của họ bị xáo trộn lên không. Tôi cho rằng sẽ có xáo trộn chứ không thể yên ổn được. Tôi thấy có một số nước thanh niên cứ đủ 18 tuổi là phải lên đường nhập ngũ, thực hiện xong nhiệm vụ này thì họ mới bắt đầu làm việc. Tôi nghĩ đây là hướng phù hợp nhất.

LÊ CHÍ TÂM, 14 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM

Chỉ cần rải nhiều đợt huấn luyện

Hãy cứ để cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục làm tốt công việc của mình. Nếu cần thiết, chúng ta chỉ cần nên tập trung huấn luyện họ trong một vài đợt gì đó rồi kiểm tra, đánh giá chất lượng một cách nghiêm khắc chứ không nên gọi tập trung, phải vào quân đội. Điều ấy vừa làm gián đoạn công việc của họ, vừa gây khó khăn cho cơ quan chủ quản.

Còn như người cán bộ, công chức, viên chức nào tình nguyện thực hiện NVQS thì chúng ta chấp nhận.

NGUYỄN TRỌNG THẠCH (thachnguyen2003@...)

Chăm lo cho người hoàn thành nghĩa vụ

Ai trong độ tuổi quy định, không phân biệt cán bộ, công chức, viên chức, đều phải nhập ngũ. Tuy nhiên, pháp luật cần quy định những thuận lợi cho người đã hoàn thành nghĩa vụ, tránh phiền hà, thiệt thòi cho một người lính đã làm tròn bổn phận, trách nhiệm như có khả năng bị mất việc, không bố trí lại việc như đã học, đã làm... để rồi phải chạy chọt gây ra tiêu cực.

NGUYÊN PHI (TP.HCM)

Ai cũng phải thực hiện

NVQS là việc mà mọi người trong độ tuổi đều phải thực hiện. Vì đây vừa là quyền thiêng liêng, vừa là nghĩa vụ cao quý. Hiến pháp cũng đã quy định rất rõ rồi. Hơn nữa, anh đi NVQS thì anh tự hào là công dân Việt Nam, anh được đóng góp cho đất nước. Vậy tại sao tôi cũng như anh lại không được đi, không được đóng góp. Do đó, bất luận là ai cũng đều phải làm nghĩa vụ và thực hiện quyền này chứ không phải cứ là công dân, viên chức nhà nước, sinh viên đại học ra trường là được miễn gọi nhập ngũ.

Ông HỒ TRỌNG NGŨ, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm