Ngày 22-12, TAND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đưa vụ ba cán bộ quản lý thị trường (QLTT) nhận tiền “làm ngơ” cho nhóm tài xế trộm cắp tài sản ra xử sơ thẩm.
Nhận 8 triệu đồng để bỏ qua vi phạm
Ngày 15-4-2014, Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (trụ sở ở TP Đà Nẵng) hợp đồng nhận chở và quản lý ba container từ cảng Tiên Sa giao cho khách hàng. Trong đó, một container giao ở Đà Nẵng, hai container còn lại giao cho một công ty ở Quảng Trị.
Để đưa hàng ra Quảng Trị, Công ty In Do Trần đã giao cho hai lái xe là Cao Lê Hiệp và Phan Ngọc Đào Trinh nhận container rồi vận chuyển đi. Trưa 16-4-2014, Hiệp, Trinh đến nhận hàng ở cảng Tiên Sa. Hiệp gọi điện thoại rủ Trinh lấy bớt hàng bán. Trinh đồng ý. Hai người rủ nhau đưa xe đến cây xăng số 21 trên đường tránh Nam Hải Vân (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cạy container, trộm 20 lốp xe (trị giá trên 107 triệu đồng). Trinh còn gọi điện thoại cho anh ruột là Phan Ngọc Tuấn thuê xe tải đến chở lốp xe đi cất giấu.
Trong khi Hiệp, Trinh đang trộm lốp xe thì một tổ công tác của Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT TP Đà Nẵng) gồm Thái Văn Hảo (tổ trưởng), Đặng Bảo Long và Nguyễn Phước Thanh (nhân viên hợp đồng) ghé vào cây xăng 21 đổ dầu thì phát hiện sự việc. Ba cán bộ này đã yêu cầu kiểm tra hóa đơn, chứng từ số lốp xe nói trên nhưng Hiệp, Trinh đều không có giấy tờ.
Lúc này Hảo nói không có giấy tờ thì đưa xe về đội để xử lý sau. Hiệp và Trinh xin được bỏ qua vi phạm và hứa “bồi dưỡng”. Hảo yêu cầu đưa tiền và nói giá 10 triệu đồng. Hiệp và Trinh gom được 8 triệu đồng đưa cho Hảo nhưng Hảo không cầm mà bảo đưa cho Long. Long nhận tiền và cho lại Trinh 500.000 đồng. Số tiền này Long đưa cho Thanh cất giữ chi phí chung cho cả tổ công tác.
Sau khi tổ QLTT đi, Hiệp và Trinh tiếp tục lấy đủ 20 lốp xe rồi nhờ Tuấn chở về gửi tại nhà xưởng của người quen, còn cả hai tiếp tục lái xe container ra Quảng Trị giao hàng. Sau đó do thấy số lốp xe để ở xưởng lâu nên người quen Trinh yêu cầu chuyển đi nơi khác. Trinh bèn gọi cho Nguyễn Ngọc Sơn nhờ chở đi cất giấu, chờ tiêu thụ. Dù biết tài sản đó có được do trộm cắp nhưng Sơn vẫn thuê xe chở về nhà tại Quảng Nam cất giấu cho đến khi bị phát hiện.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TT
Lợi dụng sắc phục để “làm tiền”
VKSND huyện Hòa Vang đã truy tố Hiệp, Trinh về hai tội đưa hối lộ và trộm cắp tài sản; Tuấn về tội trộm cắp tài sản (vai trò đồng phạm); Sơn về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Đối với Hảo, Long và Thanh, VKS truy tố về tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 279 BLHS (khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù).
Tại phiên xử sơ thẩm, đại diện VKS đã chuyển tội danh đối với Hảo, Long và Thanh từ nhận hối lộ sang tội khác nhẹ hơn là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 281 BLHS (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm). Theo VKS, Hảo, Long và Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để lấy 8 triệu đồng từ nhóm của Hiệp và Trinh, làm trái với chức năng, nhiệm vụ công tác được giao. “Các bị cáo đã lợi dụng sắc phục mình mặc trên người để thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của ba người đã phạm vào tội về tham nhũng nên không thể cho hưởng án treo” - đại diện VKS nói.
Đồng tình, TAND huyện Hòa Vang phân tích việc kiểm tra, xử lý hành vi trộm cắp của Hiệp, Trinh không phải là nhiệm vụ của Hảo, Long và Thanh. Đáng lẽ ra khi phát hiện sự việc, Hảo, Long và Thanh phải báo cáo về Chi cục QLTT để có phương án xử lý. Ở đây, ba bị cáo đã lợi dụng quyền hạn của mình để vụ lợi, lấy số tiền do Hiệp và Trinh đưa nhằm bỏ qua hành vi phạm tội. Hành vi của ba bị cáo đã gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức nhà nước (Chi cục QLTT TP Đà Nẵng).
Từ đó tòa đã phạt Hảo chín tháng tù, Long sáu tháng tù, Thanh sáu tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bốn bị cáo Sơn, Tuấn, Trinh, Hiệp cũng lần lượt lãnh từ 12 tháng tù đến ba năm chín tháng tù về các tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, trộm cắp tài sản, đưa hối lộ.