Con gái của tôi năm nay học lớp 5. Là bậc làm cha mẹ, chúng ta ai cũng muốn hướng con cái mình có một tâm hồn thánh thiện. Tôi luôn mong muốn và dạy những điều tốt đẹp cho bọn trẻ. Để dạy chúng biết yêu cái đẹp, tôi dạy các con trồng và chăm sóc cây cối. Để dạy chúng biết yêu thương và quý mến con người gia đình, tôi thường nhắc cháu biết yêu quý động vật, đặc biệt là các vật nuôi như chó, mèo, chim… Mỗi dịp về thăm ông bà nơi nuôi nhiều chó, mèo cũng là dịp cho các cháu làm quen với cây cối và yêu động vật hơn. Là sĩ quan quân đội, cha tôi rất nguyên tắc, thường chích ngừa và rọ mõm đầy đủ. Do vậy, chúng tôi rất yên tâm và thoải mái khi cho các cháu chơi với bầy chó mà ông nuôi.
Bên cạnh đó, lúc nào khi bọn trẻ về, ông cũng rất vui nên thường kéo dây xích dẫn đàn chó cùng các cháu đi đến nhà bà con chơi lòng vòng nhà hàng xóm. Nhà chị tổ trưởng tổ dân phố trong khu phố cũng có một đứa trẻ cùng tuổi con gái tôi, cũng nuôi một con chó là nơi bọn trẻ hay tụ tập chơi đùa cũng như dắt con chó đi chơi. Đàn chó cũng chạy lòng vòng theo bọn trẻ khi chúng chơi trò chơi hay đạp xe quanh xóm.
Chó nuôi ở TP.HCM đang được tiêm ngừa bệnh dại. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sự cố đáng tiếc
Tuy vậy, một việc đáng tiếc xảy ra làm đàn chó lần lượt bị xử lý. Đó là sau kỳ nghỉ Tết, đi chơi về các cháu tụ tập lại chơi chung. Chiều hôm đó, con gái tôi thấy chú chó nhà chị tổ trưởng dân phố đang bới túi rác bèn chạy đến vuốt vào lưng nó. Có lẽ do bị bất ngờ nên nó quay phắt lại và cắn vào tay con gái tôi. Vết cắn không nặng, chúng tôi chở cháu đến trung tâm y tế TP khám và chích ngừa. Ngồi nghe bác sĩ khám và phân tích các trường hợp có thể xảy ra để theo dõi và phản ứng kịp thời làm con gái tôi hoang mang, lo sợ vô cùng.
Sau khi khỏi, cháu không dám ra đường chơi và từ đó cháu tuyên bố ghét chó, không thích chó nữa. Chị tổ trưởng tổ dân phố cũng ngay tức khắc mang chó đi chích ngừa và xích nó lại một góc. Bọn trẻ con trong xóm từ đó được gia đình dạy dỗ hạn chế chơi với chó nhưng chúng bắt đầu ghét chó. Các gia đình nuôi chó cũng dần dần bán thú cưng của mình đi mặc dù không mong muốn.
Quy định về nuôi chó, mèo đã được ban hành nhưng tình trạng chó không rọ mõm, thả rông ngoài đường vẫn rất phổ biến. Thống kê sơ bộ cho thấy nhiều trường hợp bị chó cắn ở khắp địa phương trên cả nước chỉ trong thời gian ngắn vừa qua. Chủ yếu các trường hợp bị chó cắn là trẻ em. Đầu năm ngoái, BV Nhi đồng 1 cũng đã liên tiếp nhận cấp cứu nhiều ca trẻ em bị chó nhà tấn công gây nguy kịch. Chỉ riêng ở TP.HCM trong hai tháng đầu năm 2019 có đến 475 người bị chó chạy rông và lên cơn dại cắn đã đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiêm ngừa bệnh dại. Những ngày đầu tháng 4 này ghi nhận trường hợp cháu bé sinh năm 2012 tại Hưng Yên bị đàn chó của chủ nhà cắn chết một lần nữa làm dư luận dậy sóng.
Cần đưa cuộc sống vào luật
Để hạn chế những trường hợp đau thương có thể xảy ra cần lắm sự quan tâm của những người nuôi thú cưng như tiêm ngừa, tuân thủ quy định đăng ký với UBND cấp xã, rọ mõm và có dây xích chó khi nó đi ra đường. Cấp chính quyền cơ sở cũng cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo các gia đình nuôi thú cưng tuân thủ các quy định liên quan.
Đặc biệt, các nhà làm luật cần bổ sung gấp vào BLHS quy định trường hợp chủ nuôi chó không tuân thủ các quy định về tiêm chủng, rọ mõm… để xảy ra hậu quả chó cắn chết người. Như trường hợp cậu bé bị chó cắn chết ở Hưng Yên, nhiều ý kiến cho rằng đủ cơ sở để xử lý hình sự chủ chó nuôi theo Điều 295 BLHS về việc “vi phạm quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.
Sự phẫn nộ của dư luận đòi xử nặng chủ chó là chính đáng. Tuy nhiên, tôi không thấy sự tương thích của việc xử lý chủ chó cắn chết người với điều luật này. Cụm từ trong luật áp trong trường hợp này rõ ràng quy định “về an toàn ở nơi đông người”, vậy nếu trong trường hợp khác, chó cắn chết đứa trẻ ở nơi vắng người thì xử lý sao? Điều 295 nói trên nằm trong BLHS mới ban hành cho thấy các nhà làm luật đã không đưa đầy đủ cuộc sống vào luật.
Dạy con trẻ biết cách chơi với chó
Thú cưng khi nuôi là con vật yêu thương. Mặc dù chúng ta luôn nhắc nhở trẻ em cũng như người lớn yêu thương động vật nhiều hơn nhưng chúng ta vẫn cần biết chó cũng là một động vật và có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai nếu nó thay đổi tính nết. Ngay cả khi tuân thủ đầy đủ các điều kiện về nuôi thú cưng thì cũng không thể dám chắc nó an toàn trong mọi tình huống. Vì vậy các cháu rất cần được nhắc nhở tránh xa chó dữ, dạy các kỹ năng chơi đùa với chó, không nên chạy hay đuổi theo chó, cách phòng vệ khi chó chuẩn bị tấn công, bảo vệ những vùng cơ thể dễ bị tổn thương khi bị tấn công hay sơ cứu tức thì khi đã bị chó cắn.
Có thể nói con gái tôi đã may mắn hơn rất nhiều so với cháu bé ở Hưng Yên kia nhưng bao nhiêu công sức chúng tôi hướng cho cháu yêu động vật giờ tiêu tan. Tôi lại ước giá mình hướng dẫn con mình cách chơi an toàn với chó, mèo hoặc những gia đình nuôi chó tuân thủ đầy đủ thì đã tốt hơn rất nhiều cho cháu. Nên chăng trong khi chờ ý các gia đình nuôi chó thay đổi, chính quyền có trách nhiệm hơn thì chúng ta nên có trách nhiệm với chính mình, con cái mình, tăng cường trau dồi các kỹ năng cần thiết để phòng vệ và sơ cứu khi bị chó tấn công.