Cần bớt thủ tục, báo cáo rườm rà trong khen thưởng

Sáng 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho hay quy định của luật hiện hành về thi đua, khen thưởng có rất nhiều quy trình, thủ tục rườm rà. Thể hiện ở hồ sơ phải có nhiều tài liệu, báo cáo thành tích, tổ chức phải xét họp nhiều lần, số lượng hồ sơ gửi đến cơ quan thẩm quyền nhiều…

“Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục, để chúng ta hướng tới tiến hành việc này được khẩn trương hơn” - ĐB Thủy kiến nghị. ĐB cũng đề nghị mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức, thủ tục đơn giản. Đồng thời tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trực tiếp quyết định việc khen thưởng trong một số trường hợp mà không nhất thiết phải thông qua Hội đồng bình bầu thi đua.

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu vấn đề: “Để được tôn vinh lại phải viết báo cáo thành tích, trong khi hầu như các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo thì mục đích cuối cùng không phải được ghi nhận và tôn vinh. Báo cáo này nhằm mục đích gì?”.

Ông Nhân cho rằng nếu duy trì báo cáo thành tích thì phải giải đáp thỏa đáng trường hợp nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật chắc chắn trong thời gian công tác đã nhận không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng.

“Mới đây nhất, dư luận dậy sóng khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một giám đốc sở mà trên con đường quan lộ của mình có không ít các danh hiệu thi đua, khen thưởng thì công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích với các trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa ra sao?” - ông nói.

Từ đó, ông cho rằng chỉ khi nào Nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu “viết báo cáo thành tích” thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương.

Báo cáo và giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết quan điểm sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này tập trung vào ba nguyên tắc. Thứ nhất là đảm bảo tính “bao trùm, toàn diện, hợp lý, công bằng, bình đẳng, khoa học, thực tiễn và tạo ra được động lực mới cho thi đua, khen thưởng”.

Thứ hai là phải đảm bảo được tính kế thừa và đổi mới, kế thừa những điều, khoản, những nội dung, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh rất hợp lý, có sức lan tỏa, đã có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu. Theo đó, dự luật đã hướng mạnh hơn đến việc khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu; chú trọng khen thưởng cho tập thể, tổ chức ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Thứ ba là đảm bảo được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng. Trong thi đua thì có các danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua.    

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm