Sáng 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đồng tình với quan điểm xử lý nghiêm minh các vi phạm về thi đua, khen thưởng nhưng lại tỏ ra băn khoăn với các quy định tước danh hiệu vinh dự nhà nước (tại Điều 93, Dự thảo luật), trong đó có danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cụ thể, ĐB Hạnh cho rằng trong tám khoản tại Điều 93 thì có tới bảy khoản liên quan đến nội dung tước danh hiệu vinh dự nhà nước, trong đó nội dung của nhiều khoản chưa rõ, so sánh quy định giữa các khoản cũng chưa thống nhất, chưa rõ ràng, gây khó hiểu.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ băn khoăn về với quy định về tước danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: TP
Đặc biệt, ĐB Hạnh nhấn mạnh rất băn khoăn với quy định về tước danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tại khoản 4 Điều 93. Bởi vì, trong hệ thống bảy danh hiệu vinh dự nhà nước tặng, vinh danh cho cá nhân thì có sáu danh hiệu là thành tích mà tự thân người đó làm nên và do người đó là chính.
Riêng đối với vinh danh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì đây là sự ghi nhận hy sinh xương máu của chồng, của con, của mẹ và quy định liên quan đến thân nhân liệt sĩ.
“Đây là vấn đề mà tôi cho rằng chúng ta cần phải hết sức cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa quy định vào thành một điều, khoản trong luật” - ĐB Hạnh nêu.
Theo dự thảo luật trình QH xem xét, khoản 4 điều 93 quy định như sau: Cá nhân được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” mà phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
(PLO)- Kể từ ngày 1-7 số tiền trợ cấp hàng tháng cho đối tượng là bà mẹ Việt Nam anh hùng nhận được sẽ là: 1.624.000 đồng x 3= 4.872.000 đồng.