Ghi nhận của PV ở hai Bến xe miền Đông và miền Tây có hàng trăm xe máy nhiều năm qua không có người đến nhận, nhiều xe hư hỏng mục nát.
Theo Công ty CP Bến xe miền Đông, số lượng xe không chủ tăng theo từng năm, đến cuối năm 2018 số lượng xe tại bãi xe máy lên đến gần 200 chiếc.
Đơn vị đã xếp chồng một số xe quá cũ kĩ vì nếu dàn trải số xe này ra chiếm khoảng 600 m2 sàn của bãi xe.
Có những xe xếp trong góc đã lâu, cây leo bám nguyên xe.
Còn ở Bến xe miền Tây, trong bãi giữ xe có khoảng 40 xe được xếp gọn nằm chính giữa hai hàng xe và số còn lại được đưa vào một kho riêng. Theo tìm hiểu của PV, tính từ năm 2017 -2018 tại bãi giữ xe của Bến xe miền Tây có khoảng 310 xe vô chủ.
Ông Phương cho biết thêm, trong thời gian qua có nhiều trường hợp 3-4 tháng mới lấy xe thậm chí là một năm (trên thẻ chỉ giữ xe trong thời hạn 30 ngày) bến xe vẫn giải quyết cho chủ xe nếu đủ các thủ tục. Đối với số tiền giữ xe, nhiều chủ xe đến lấy có yêu cầu giảm tiền thì bến xe vẫn hỗ trợ giảm mặc dù thời gian gửi rất lâu.
Hàng xe vô chủ được đơn vị quản lý Bến xe miền Tây xếp gọn ở giữa để tránh tốn diện tích.
Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Bến xe miền Tây cho biết, số xe tồn đọng lại chiếm diện tích sàn bãi giữ xe ảnh hưởng đến doanh thu của bến, đặc biệt là ảnh hưởng đến công tác phục vụ hành khách.
Trước tình hình trên, bến xe có văn bản gửi Công an phường và Công an quận Bình Tân đề nghị hỗ trợ về việc xử lý các xe này. Từ đó, Công an quận cử người xuống làm việc, ghi lại số khung, số máy của từng xe để xác minh xem có liên quan đến vụ án trộm, cắp gì hay không?
“Với trường hợp không liên quan thì bến xe gửi thư mời hai lần yêu cầu chủ xe đến lấy xe, trong thời gian đó nếu họ không lấy thì đưa công an giám định xe. Sau đó, bến xe đăng thông tin trên mặt báo (hai kỳ với số tiền 60 triệu đồng), sau 365 ngày kể từ ngày đăng báo chủ xe vẫn không đến nhận thì cơ quan mới tiến hành thủ tục thu hồi thanh lý.” – ông Phương nói.
Những xe này quá cũ kỹ và bám đầy bụi.