Cần đánh giá việc thực hiện 'cơ chế đặc thù'

Ngày 13-7, tiếp tục phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm; kế hoạch tài chính năm năm quốc gia; kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chỉ kiến nghị cơ chế đặc thù trong chính sách chi

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng cần làm nổi bật thành tựu nhiệm kỳ khóa XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020, làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công.

Thực tế năm năm qua cơ bản đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa Luật Đầu tư công kết hợp với công tác điều hành, tỉ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%...

Cơ cấu chi cũng thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách. Ông Huệ dẫn chứng một số địa phương làm tốt như Hà Nội, Quảng Ninh đã dành 50% tổng chi cho đầu tư phát triển.


Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Đ.MINH

Lưu ý một số nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là thể chế hóa chủ trương, định hướng của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là những điểm mới, những điểm cần đổi mới so với trước.

Chủ tịch Quốc hội nhận xét nếu rà soát lại luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thì còn rất nhiều vấn đề nên cần khắc phục cả khuynh hướng: Một là bảo thủ, sai không sửa; hai là đổ thừa cho cơ chế. “Tôi thấy khuynh hướng thứ hai đang nổi lên rất mạnh” - ông Huệ nhận xét và lưu ý cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn vướng chỗ nào phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về “cơ chế đặc thù” cho một số địa phương. “Phần lớn các địa phương chỉ bàn và kiến nghị cơ chế đặc thù trong chính sách chi, để chi được nhiều. Sở, ngành nào cũng trình chính sách chi mà không chịu trình thu, trong khi thu là quan trọng, tạo nguồn lực cho phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chúng ta chuẩn bị đầu tư khi hàng trăm dự án, trong đó có dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia nhưng chưa thấy “hình dáng” nên cần nhìn thẳng vào vấn đề này để triển khai quyết liệt hơn nữa. Không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được.

Chủ tịch Quốc hội nói về việc thực hiện Luật Đầu tư công

“Chúng ta mất nhiều cán bộ, toàn các bác sĩ rất giỏi”

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm đậm nét hơn mảng xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tham nhũng… cho cân bằng với mảng kinh tế.

Dẫn lại các vụ án xảy ra tại BV Bạch Mai, BV Tim, BV Mắt Sài Gòn, bà Nga khái quát vụ án này đều liên quan đến vấn đề tự chủ, xã hội hóa các bệnh viện. “Phải chăng lúc cho tự chủ bệnh viện, cho xã hội hóa, chúng ta cho làm khá ồ ạt, không làm thí điểm mà cho làm luôn? Thêm vào đó, việc thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế hầu như ít được thực hiện. Đến bây giờ, chúng ta yêu cầu công an vào cuộc, có ý kiến cho rằng có những sai phạm na ná nhau” - bà Nga nói và đề nghị khi có chủ trương mới, cần phải cho thí điểm, làm một số nơi, có tổng kết, sau đó mới nhân rộng. Cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên.

“Bây giờ chúng ta mất cán bộ rất nhiều và điều đau xót là toàn các bác sĩ rất giỏi. Chúng ta đặt một câu hỏi là qua tất cả vụ án đấy, Chính phủ rút ra điều gì về điều hành kinh tế - xã hội và về quản lý các bệnh viện để tránh tình trạng lặp lại?” - bà Nga hỏi.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo của Chính phủ đánh giá kỹ hơn về các vấn đề nội tại của nền kinh tế, bởi tăng trưởng chưa thực sự bền vững.

“Chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua” - ông Mẫn nói và lưu ý con số trên 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Ông Mẫn cũng đề nghị đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hằng năm để làm cơ sở cho cả năm năm. “Năm 2022 có ngăn chặn được đại dịch COVID-19 không? Hoạt động kinh tế - xã hội có bình thường, có nguồn thu không? Cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, bồi dưỡng nguồn thu thế nào? Kinh nghiệm thực tế từ địa phương tôi thấy đừng tận thu mà phải chăm sóc, khai thác nguồn thu đúng mức” - ông Mẫn nêu quan điểm.

Đề nghị minh bạch thông tin nguồn tài trợ quỹ vaccine

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo ông Thực, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vaccine phòng chống dịch; minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

“Chính phủ cần quản lý và kiểm soát tất cả hoạt động mua sắm và phân phối vaccine; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sử dụng vaccine” - ông Thực nói.

Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về tình hình dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, dẫn đến người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh nên đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo tinh thần Nghị quyết số 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ.

Các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm tới đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm