Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hiện còn 773 tập Châu bản của 11 vị vua triều Nguyễn đang bảo quản tốt và được số hóa. Toàn bộ Châu bản trên đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5-2014.
Ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu Huế, cho rằng Châu bản triều Nguyễn với tính xác thực và độ tin cậy cao đã trở thành một di sản văn hóa mang đậm giá trị học thuật của nước nhà. Nếu định nghĩa văn hiến là sách vở và người hiền của một thời đã qua, thì Châu bản triều Nguyễn xứng đáng là một bộ phận tổ thành của nền văn hiến Việt Nam…”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An và tập Châu bản của gia đình để lại. Ảnh: V.Long
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Bang, phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng Châu bản triều Nguyễn còn là nguồn tư liệu độc bản có giá trị pháp lý cao nhất của nhà Nguyễn về chủ quyền không thể tranh cãi Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. Châu bản khẳng định Việt Nam vẫn thực thi liên tục chủ quyền của mình trên hai quần đảo này.
Với tầm quang trọng đó, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng Huế là nơi gắn liền với sự hình thành của Châu bản, cũng là nơi có nhu cầu lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của nó: “Nên cần phối hợp để đưa Châu bản, bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau về Huế để khai thác là cần thiết và phù hợp. Đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản Châu bản ngay tại nơi nó sinh ra…”.
Châu bản Triều Nguyễnl à các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ 1802-1945
Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng để phát huy giá trị Châu bản cần lựa chọn, biên dịch dần Châu bản ra nhiều thứ tiếng để phục vụ nhà nghiên cứu ở nhiều quốc gia; xây dựng chương trình phục vụ thăm quan chuyên nghiệp cho khách quốc tế và khách trong nước; thiết kế các vật phẩm lưu niệm nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh Châu bản.
Cũng tại tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngoài phát huy giá trị Châu bản, cần phát huy giá trị di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình để đưa hệ thống thơ văn này vào danh mục di sản tư liệu thế giời trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn giai đoạn 2015-2025.