Cần gỡ vướng quy định phòng cháy cho doanh nghiệp

(PLO)- Bên cạnh những quy định vô lý về PCCC, cử tri phản ánh đã đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian hưởng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ năm QH khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (trái) và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (trái) và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Người dân lo đời sống sẽ tiếp tục khó khăn

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay cử tri, nhân dân lo ngại do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm, trở nên gay gắt.

Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID-19.

“Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này, đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn” - ông Chiến nói.

Từ thực tế trên, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.

“Hiện nay, sản xuất, kinh doanh của các DN khó khăn, thua lỗ là sự thật, không thể né tránh” - ông Chiến nhấn mạnh.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tình trạng “nhu cầu yếu” nên “đơn hàng thiếu”, dẫn đến các DN phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm.

Ông Thanh cũng dẫn báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, nếu không có giải pháp kịp thời.

Cũng theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dù Ngân hàng Nhà nước đã có các động thái để giảm lãi suất nhưng thực tế, các DN phản ánh vẫn đang phải vay với lãi suất 13%-14%, chưa kể các điều kiện cho vay cũng rất phức tạp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc tiếp cận tín dụng khó, hoàn thuế thì không được, vậy nguồn ở đâu để người dân, DN sản xuất, kinh doanh?

Đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm cũng là tiêu cực

Tại dự thảo báo cáo, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm... làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN và cuộc sống của nhân dân.

“Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực” - ông Chiến nói và khẳng định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm xã hội tốt đẹp hơn chứ không thể đổ lỗi, sợ không dám làm.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đồng tình với nhận định “có tâm lý né, sợ trách nhiệm, đùn đẩy vòng vo” và cho hay trước đây, một việc nếu được đa số đồng thuận là được giải quyết, xử lý. Nhưng giờ đây, chỉ cần một ngành không đồng ý là quay lại xin ý kiến.

“Quy trình, thủ tục này mất nhiều thời gian và chi phí tuân thủ tăng cao” - ông Thanh nhấn mạnh.

Tiểu thương bức xúc vì phải đóng BHXH sai quy định

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư QH khóa XV và báo cáo công tác dân nguyện tháng 4.

Liên quan vấn đề BHXH, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu: Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay nhiều kiến nghị của cử tri vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị giải quyết việc chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH.

Theo quy định, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng từ tháng 1-2003 đến tháng 12-2021, cơ quan BHXH tại nhiều địa phương đã thu BHXH bắt buộc đối với những trường hợp này. Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy tại thời điểm tháng 9-2016, đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương phải đóng BHXH bắt buộc.

Do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật, các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng để hưởng chế độ BHXH. Điều này đã khiến người dân bức xúc. Một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH tỉnh ra tòa án, như tại tỉnh Tuyên Quang, nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể đã khiếu nại, khiếu kiện.

Cho rằng việc này cần giải quyết dứt điểm, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thực hiện BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phương án giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo.

“Nhiều quy định mới rất vô lý, khó tuân thủ”

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị báo cáo của MTTQ bổ sung nhận định về môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính.

“DN đánh giá các quy định mới rất vô lý và rất khó tuân thủ. Như quy định về PCCC, trên mạng đưa tin đồng chí thứ trưởng Bộ Công an nói có những quy định của các bộ là “từ trên trời rơi xuống”, DN không thể nào thực hiện được, chi phí tuân thủ tăng lên rất cao” - ông Thanh nói và đề nghị cần tháo gỡ vướng mắc cho các DN trong các thủ tục về PCCC.

“Nhiều dự án đầu tư rồi, bổ sung thêm các phương tiện, các thiết bị, các vật liệu PCCC rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, các tiêu chuẩn. Theo DN phản ánh, tiêu chuẩn còn cao hơn tiêu chuẩn của các nước phát triển” - vẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh lưu ý đến vấn đề hoàn thuế VAT. Ông Thanh cho biết theo Bộ Tài chính, vấn đề này đã được xử lý nhưng thực tế có những DN có tới hàng trăm tỉ đồng chưa được hoàn thuế.

“Bây giờ tiếp cận tín dụng đã khó như thế rồi, hoàn thuế thì không được, vậy thì nguồn ở đâu để người dân, DN sản xuất, kinh doanh” - ông Thanh nói và đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp xử lý vấn đề này.

“Bây giờ cứ treo như thế, người dân, DN không có tiền, không tiếp cận được tín dụng thì hoạt động sản xuất, kinh doanh rất khó” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm