Sáng 5-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2023.
Phát biểu kết luận, ghi nhận xu hướng tích cực của tình hình kinh tế- xã hội tháng 4, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, tình hình bất ổn bên ngoài tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn.
Thực hiện quyết liệt 3 nhóm nhiệm vụ lớn
Các động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) đều có xu hướng suy giảm; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng thấp hơn cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký giảm.
Cạnh đó, việc triển khai một số chính sách trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC |
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, việc triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính nội bộ cần bứt phá mạnh mẽ hơn nữa với quan điểm đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần phục vụ, dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, ông lưu ý việc xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba nhóm nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, tập trung chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định.
Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa... Hiện lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, Thủ tướng cho rằng cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; trước mắt, tăng khả năng tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay với cả khoản vay mới và hiện hữu…
Ông cũng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhất là rà soát, hoàn thiện thể chế; làm tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển… Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg của Thủ tướng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; theo dõi việc thực hiện các thông tư 02, 03, nếu có vấn đề nổi lên thì kịp thời giải quyết ngay.
Ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng và lĩnh vực ưu tiên.
Cạnh đó, tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; rà soát và có giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và 10 nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp gỗ, thủy sản.
Khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT
Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; sớm đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc về vốn ODA, trình trong tháng 5.
Đặc biệt, cần khẩn trương trình cấp thẩm quyền phương án giảm 2% VAT; trình phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…
Với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ này đôn đốc thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời phối hợp Bộ Công an tháo gỡ vướng mắc trong các thông tư về phòng cháy, chữa cháy, ban hành trước ngày 15-5; đánh giá từng dự án bất động sản, phối hợp các địa phương xử lý vướng mắc với từng loại dự án; tích cực triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản liên quan tới các bản án, kết luận thanh tra, điều tra…
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm thị trường xăng dầu ổn định, khẩn trương trình sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu và trình ban hành Quy hoạch Điện VIII trước 10-5…
Khẩn trương trình ban hành nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, tinh giản biên chế, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.