Cần làm gì cho lần đấu giá đất Thủ Thiêm tiếp theo?

Tại tọa đàm Bài học Kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế diễn ra tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM sáng 23-2, các chuyên gia đã góp ý nhiều biện pháp về đấu giá đất và các luật, thể chế liên quan.

Chặt "vòi" lợi ích nhóm, thêm chế tài

"Chúng ta không thể khống chế giá kịch trần đấu giá là bao nhiêu vì nó là quy luật thị trường. Điều chúng ta cần làm là tìm mục đích nhà đầu tư đưa lên giá cao, có thể mục đích của họ là kích hoạt giá đất xung quanh lên hay sao?" - TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý.

Theo ông Nguyên, cần tìm hiểu các nhà đầu tư liên kết với ai, có lợi ích nhóm không, vay tiền của ai... để họ đưa lên giá như vậy để chặt đứt các "đường dây" này nếu có.

"Quy luật cung cầu sẽ tự điều chỉnh, chúng ta có những cơ chế tạo ra để quy luật cung cầu phát triển. Kinh nghiệm là khoanh vùng ảnh hưởng xung quanh, khoanh vùng truy vết để ngăn nhà đầu tư chơi trò "ngông" như thế" - ông Nguyên nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng điều lo lắng nhất là về mặt dài hạn chúng ta có khá nhiều tài sản để đấu giá.

"Tôi thấy luật đấu giá cần đưa ra những luật riêng biệt cho đấu giá bất động sản. Luật hiện nay đều có nhưng họ vẫn có thể lách để tìm kẻ hở, làm lợi cho mình hay nhóm của mình. Chúng ta phải xem dòng tiền của nhà đầu tư có minh bạch hay không, đồng thời có thêm các hình thức phạt, chế tài nặng hơn" - ông Hoài chia sẻ.

Trả lời câu hỏi vì sao giá cao lại lo lắng?

"Cuộc đấu giá đất vừa qua đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi. Đầu tiên, khi đấu giá ai cũng sợ giá thấp mong giá cao nhưng lần này ngược lại. Đây là lần đầu tiên thị trường khớp vì giá quá cáo. Vì sao giá cao lại thành vấn đề?" - bà Trần Thị Việt Hòa - Giảng viên khoa quản lý đất đai và bất động sản trường Đại học Nông lâm TP.HCM nêu vấn đề.

Theo bà Hòa, xét góc độ thị trường, giá ở cuộc đấu giá không phải là giá thị trường, khi giá cao như vậy chắc chắn dẫn đến nhiều hệ lụy. 

"Có thể thấy tính công khai của thị trường BĐS là có nhưng tính minh bạch không có, thị trường rất mù mờ nên thẩm định giá hoang mang. Chúng ta sử dụng phương pháp thị trường để thẩm định giá thì có thể sẽ rơi vào bẫy thị trường vì giá thị trường đang bị thao túng" - bà Hòa thẳng thắn.

Ông Nguyễn Thế Phượng - Ủy viên BCH Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng có bốn đơn vị trúng đấu giá thì hai đơn vị bỏ cọc, hai doanh nghiệp còn lại chưa nộp đầy đủ tiền. Qua đó chúng ta thấy năng lực tài chính của các đơn vị trúng đấu giá có vấn đề.

"Vốn có 200 tỉ, trúng giá 5.000 tỉ là có vấn đề. Chúng ta phải thẩm định năng lực nhà đâu tư thế nào, xem vốn như thế nào, chứ không có đồng nào rồi bỏ giá cao thì không được" - ông Phượng phân tích.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chủ trì tọa đàm cho rằng cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua đã tạo ra tranh luận nhiều chiều trên phương tiện thông tin đại chúng.

"Việc đưa giá đất lên cao có tác hại gì với mặt bằng giá đất của thành phố, ảnh hưởng như thế nào đến đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở? Giá đất tăng cao thời gian qua làm cho giấc mơ có nhà của người lao động trở nên xa vời. Vì vậy buổi tọa đàm để thảo luận nhiều vấn đề và nghe giải pháp từ các chuyên gia” - ông Ngân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới