Bộ Tài chính đang nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Thông tin này gây nhiều tranh luận.
Có thể tính thuế 0,03%/năm
Cách tính thuế như thế nào thì vẫn còn chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh thuế với nhà đã từng được đưa vào dự thảo Luật Thuế nhà, đất từ năm 2009.
Dự thảo luật nói trên đưa ra ba phương án tính thuế nhà. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến, tiếp thu, trong báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề xuất chọn phương án thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên và với mức thuế suất áp dụng là 0,03%.
Thường trực ủy ban này cho rằng đây là phương án tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, về cơ bản sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bảo đảm mỗi người dân có một căn nhà không thuộc diện chịu thuế; mức thuế suất thấp (0,03%) nên sẽ tác động không lớn tới tâm lý và đời sống kinh tế của người dân.
Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nhất là “bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn” thời điểm đó (năm 2010), Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chưa đánh thuế nhà.
Sắp tới đây, Bộ Tài chính sẽ đưa ra phương án nào, mức thuế cụ thể ra sao... còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế, ý kiến góp ý.
Người mua nhà luôn phải cân nhắc các khoản thuế, phí liên quan. Ảnh: Quang Huy
Nhiều lo ngại
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản L&L, cho rằng đánh thuế người mua từ hai căn nhà trở lên chẳng khác nào thắt chặt dòng tiền đổ vào bất động sản, khiến đầu ra của doanh nghiệp (DN) bất động sản sụt giảm, DN thêm khó khăn. Việc đánh thuế này mâu thuẫn với chính sách ngân hàng, vì hiện nay một số ngân hàng đang có chính sách cho vay đối với các cá nhân mua 2-3 căn để đầu tư kinh doanh bất động sản, giờ đánh thuế người mua từ căn nhà thứ hai thì chẳng khác nào đầu này mở ra thì đầu kia bít lại.
Tuy nhiên, dưới góc độ người sở hữu nhà, chị Ngọc Anh ngụ chung cư 584, quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết: “Tôi đóng phí quản lý khoảng 400.000 đồng/tháng, căn hộ 80 m². Nếu tính thuế nhà là 0,03% trên giá thị trường mua bán căn hộ thì tiền thuế một năm vừa bằng phí quản lý một tháng mà thôi. Tôi nghĩ không ai dại dột đi nhờ người khác đứng tên nhà, đất giùm chỉ để tránh né vài trăm ngàn đồng thuế nhà một năm. Rủi ro cao lắm. Chưa kể nếu tính thuế trên bảng giá đất địa phương thì tiền thuế còn thấp hơn nữa mà. Đã có nhà thứ hai, thứ ba, lại tính chuyện đầu tư nhà, đất thì việc nộp thuế vài trăm ngàn đồng không là vấn đề. quan trọng là khoản tiền đó được đầu tư vào hạ tầng, đường sá, chống ngập tại khu vực thì trị giá nhà lại tăng lên”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng cần tránh gây khó cho người mua nhà có nhu cầu thật, điều kiện thấp. Ví dụ có gia đình sáu người đang ở một căn hộ chung cư tại quận Tân Bình chỉ có 28 m². Sau đó họ cố gắng mua một căn nữa nhưng cũng chỉ mua nổi căn 35 m². Tuy hai căn nhà nhưng tính ra chưa tới 100 m². Nếu đánh thuế tính trên số căn nhà thì e rằng không hợp lý với nhiều trường hợp.
Theo ông Châu, nên có quy định cụ thể cho người có từ hai căn nhà trở lên nhưng tổng diện tích dưới 200 m² thì không phải chịu thuế nhà.
Đánh một lần là... ngất
Vẫn chưa biết phương án tính thuế sắp tới sẽ ra sao nhưng có thể đoán trước việc thu thuế sẽ thực hiện hằng năm chứ không thể tính thuế một lần khi mua nhà hay bán nhà.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách từng cho rằng việc áp dụng thu thuế hằng năm là phù hợp với đặc điểm biến động trong sử dụng, chuyển nhượng nhà, đất. Khi sở hữu, sử dụng nhà thì chủ nhà nộp thuế; khi bán đi, không sở hữu thì không phải thực hiện nghĩa vụ thuế nữa.
Hơn nữa, mức thu thuế rải ra hằng năm là phù hợp. Ví dụ thuế 0,03%/năm nhưng nếu tính một lần thì số thuế sẽ lớn gấp 10, 50 lần cho một “đời” nhà, như vậy thì số tiền quá lớn, “tạo sức ép với người dân”.
Các nước trên thế giới đều thu hằng năm. Mức thuế dựa trên bảng giá đất và bảng này định kỳ thay đổi, có thể ba năm mới đổi, ủy ban này từng báo cáo.
Các nước đánh thuế rát mặt Trung Quốc: Thuế suất 1,2% trên phần trị giá của nhà sau khi trừ 10%-30% trị giá ban đầu. Đài Loan: 1,2%-2,0% đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng (biệt thự); 3,0%-5,0% đối với nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại. Thái Lan: Không tách riêng nhà và đất khi đánh thuế. Dưới 0,5% đối với nhà đất sử dụng cho mục đích thương mại; 1% đối với đất bỏ không; dưới 0,1% đối với nhà đất sử dụng để ở; dưới 0,05% đối với nhà đất ở nông thôn. Giá nhà đất được các địa phương xác định và công bố ba năm/lần. Hàn Quốc: 0,15%-0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với nhà trong khu sân golf, biệt thự, các khu vui chơi giải trí; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Thuế tính trên bảng giá đất địa phương ban hành và bảng giá này thường xấp xỉ bằng 15%-20% giá thị trường. Nhật: 1,4% nhưng không quá 2,1%. Giá nhà, đất được xác định phù hợp với giá thị trường. Ba năm điều chỉnh một lần. Không có thông tin để thu thuế Một trong các yếu tố để chưa tính thuế ở dự thảo lần trước là vì “tổ chức thực thi có thể gặp khó khăn”. Thậm chí nếu số thu không được là bao mà chi phí tổ chức tính toán, đi thu... lại cao thì còn lỗ! Ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc quản lý cá nhân đang có bao nhiêu căn nhà cũng rất khó vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa quản lý thông tin này. Việc khai gian để trốn thuế sẽ xảy ra. Cần triển khai nhanh luật về căn cước công dân. Quản lý đồng bộ trên căn cước như vậy mới nắm được mỗi cá nhân có bao nhiêu căn nhà, chống được việc khai gian trốn thuế. Khó đánh thuế theo trị giá nhà Một phương án tính thuế từng được ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra trình là tính thuế trên căn nhà đầu tiên nhưng xét trị giá khởi điểm chịu thuế là 1 tỉ đồng (thời điểm năm 2010). Mức này gấp đôi mức 500 triệu đồng trong dự thảo đã trình Quốc hội. Phương án này có lợi thế là đại bộ phận người có nhà ở nông thôn, nhà đô thị cấp I sẽ không phải chịu thuế (vì trị giá nhà thấp hơn 1 tỉ đồng). Tuy nhiên, ủy ban đánh giá “việc xác định cụ thể trị giá nhà bằng tiền là khá phức tạp, nhất là trong điều kiện bước đầu đưa nhà vào đối tượng chịu thuế”. |