Đây là những lời chia sẻ của em Trương Nhựt Cường, Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tại buổi gặp giữa Thường trực UBND TP.HCM với sinh viên tiêu biểu với chủ đề “Sinh viên TP.HCM xung kích, sáng tạo xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” diễn ra vào chiều 27-3.
Tại buổi gặp gỡ với thường trực UBND TP.HCM, nhiều sinh viên đã hiến kế cũng như góp ý về việc tạo cơ chế, chính sách cho thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp.
Em Nhựt Cường cho biết sau vụ cháy kinh hoàng ở chung cư Carina Plaza, điều đọng lại chính là biện pháp phòng còn hơn chữa. Do đó, em có đề xuất nên đưa chương trình dạy kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm trong đám cháy đến gần hơn với học sinh, sinh viên. Em nghĩ nên quy định hẳn nội dung chương trình học cũng như tài liệu về vấn đề này và đưa hẳn vào trong trường học để mọi người nắm. Bởi sau vụ cháy, nhiều người dân đã có ý thức trong việc mua sẵn những đồ bảo hộ cho gia đình mình. Nhưng hầu hết muốn sử dụng, họ đều phải nhờ sự hướng dẫn của người bán. Vậy tại sao, nhà trường lại không phải là nơi dạy những điều đó?. Có như vậy mới hy vọng giảm thiểu được tối đa những thiệt hại do sự cố không may xảy ra.
Trong khi đó, em Nguyễn Thanh Huy, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM lại lo ngại về vấn đề nhiều bạn sinh viên không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Thanh Huy cho biết với thời đại hiện nay, tiếng Anh đóng một vai trò rất quan trọng trong công việc cũng như học tập. Thế nhưng dù nhiều bạn đã theo học tại các trung tâm ngoại ngữ nhưng theo khảo sát có đến 50% các bạn sinh viên chưa thể nói chuyện với người nước ngoài. Đây là một vấn đáng báo động.
“Vì thế, em nghĩ để cải thiện tình hình trên, chúng ta cần nhập những giáo trình, phương pháp giảng dạy tiếng Anh từ các nước tiến tiến trên thế giới về để dạy cho sinh viên Việt Nam . Có như thế, mới mong cải thiện được trình độ ngoại ngữ của mọi người”.
Còn em Phan Anh Vũ, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì mong muốn có một trang website chuyên về khởi nghiệp để các bạn sinh viên có thể đăng tải những ý tưởng của mình.
Cùng quan điểm, em Nguyễn Văn Vy, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ TP.HCM cho biết nên xây dựng một quán cà phê khởi nghiệp. Quán cà phê sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn. Vào cuối tuần, tại quán cà phê này sẽ tổ chức những buổi hội thảo có sự tham gia của những chuyên gia, nhà đầu tư, các bạn sinh viên liên quan đến khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, có nhiều bạn sinh viên đã hiến kế với lãnh đạo thành phố một số giải pháp để xây dựng thành phố có chất lượng tốt như về môi trường, về khởi nghiệp, về giao thông cũng như đô thị thông minh.
Lắng nghe ý kiến của sinh viên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố có trên 80 trường ĐH, CĐ cho nên nguồn trí thức rất lớn. Thành phố sẽ luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên phát huy sự sáng tạo và trí tuệ của mình.
“Khi nghe các bạn đóng góp, bản thân tôi thấy có nhiều ý kiến rất sâu sắc và trách nhiệm. Điều đó cho thấy, các bạn nắm rất rõ những vấn đề của thành phố cũng như sự chuyển mình của thành phố, sẵn sàng tham gia góp ý, hiến kế để thành phố ngày càng phát triển bền vững hơn”, ông Phong khẳng định.
Cũng theo ông Phong, qua phần tổng hợp ý kiến, có một số vấn đề nổi trội mà được nhiều bạn sinh viên đề cập đến. Thứ nhất thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên. Thứ hai, nâng cao kỹ năng trong vấn đề hội nhập đó là vấn đề dạy và học ngoại ngữ. Thứ ba, thành phố cần có chính sách nâng cao chính sách giáo dục, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật. Và cuối cùng, thành phố cần có quy trình tiếp nhận những hiến kế của sinh viên trong quá trình hội nhập hiện nay.
“Tôi đánh giá cao những ý tưởng, đóng góp của các bạn. Lãnh đạo thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các bạn sinh viên trong học tập, lao động. Thành phố sẽ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bạn phát huy hết năng lực của mình” - ông Phong chia sẻ thêm.