Cần quy định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(PLO)- Theo các đại biểu, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 2-11, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cho hai dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử.

Liên quan đến dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhiều đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có những ý kiến tập trung vào việc làm rõ và hoàn thiện các quy định, khái niệm liên quan đến sản phẩm, hàng hoá, quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời các đại biểu cũng đặt ra trách nhiệm vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Trần Kim Yến góp ý tại buổi thảo luận tổ đại biểu TP.HCM. Ảnh VH

Đại biểu Trần Kim Yến góp ý tại buổi thảo luận tổ đại biểu TP.HCM. Ảnh VH

Để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, cần quy định rõ hơn để hoàn thiện quy định. Chẳng hạn ở Điều 17 có nêu 15 hành vi bị cấm đối với người bán hàng nhưng trên thực tế để chứng minh được các cá nhân, tổ chức vi phạm để xử phạt là không dễ.

Bà Yến nêu ví dụ về bán hàng qua mạng với hình thức livestream có hiệu quả rất lớn.

Tuy nhiên sản phẩm người mua nhận được đa phần không giống như bên bán giới thiệu trên mạng. Bà Yến dẫn thêm trường hợp qua mua bán nhà, giới thiệu trên mạng một đằng nhưng bên bán dẫn khách hàng đến một nẻo nhưng cũng không có cách để xử lý.

Bà Yến cho rằng, trong luật cần quy định rõ những hành vi bị cấm để có cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bà cũng cho rằng, Ban soạn thảo luật chưa thấy hết mức độ nguy hiểm đối với hàng hoá bị lỗi khi đưa ra thị trường và cũng chưa nêu cụ thể về giải pháp, thời gian để thu hồi.

“Sản phẩm lỗi có khi còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của không chỉ một người mà là nhiều người. Vì vậy, Luật cần phải quy định về việc thu hồi sản phẩm trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để không ảnh hưởng thêm đến những người tiêu dùng khác”, đại biểu Yến đề xuất.

Bà Yến cũng nhấn mạnh thêm vai trò của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo quyền được tiếp cận, sử dụng hàng hoá an toàn, chất lượng cho số đông để tránh tình trạng “từ bàn ăn đến bệnh viện và nghĩa trang rất gần”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan góp ý cần bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh QH

Bà Phạm Khánh Phong Lan góp ý cần bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh QH

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan góp ý, dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của cả ba bên: bên bán, bên mua và cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Lan cho rằng, người bán hàng không nói dối nhưng thường không nói hết sự thật, nhất là đối với những mặt hạn chế của sản phẩm. Tuy nhiên, họ cũng không phải chịu trách nhiệm gì về việc này.

Trong khi đó, người mua thường là người yếu thế hơn. Nếu lỡ mua phải hàng hoá không đạt chất lượng thông qua mạng thì cũng phải cắn răng chịu. “Đa phần ít người tiêu dùng đi kiện, mà nếu có đi kiện thì thủ tục rườm rà”, bà Lan cho hay.

Đại biểu Lan cũng đề xuất, dự thảo luật cần phải thiết kế theo hướng giảm bớt và đơn giản các thủ tục để người tiêu dùng dễ dàng thực hiện khiếu kiện. Bà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bổ sung vai trò quản lý nhà nước trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Lan, đối với các sản phẩm được cơ quan nhà nước cấp phép là một bảo chứng quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng mua sản phẩm. Tuy nhiên, khi xảy ra việc thì thường không thấy đề cập đến trách nhiệm của nhà nước.

“Khi nhà nước cấp phép sản phẩm thì đều có quy trình thẩm định cùng các quy chuẩn tiêu chuẩn. Sau đó đưa ra thị trường lưu hành thì cần phải có thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm nếu có. Vì vậy, khi người tiêu dùng sản phẩm do nhà nước cấp phép mà có vấn đề thì cũng phải xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp phép”, đại biểu Lan nói.

Bà Lan dẫn một ví dụ từ thực tiễn mà theo bà là “rất đau xót”, đó là sự kiện liên quan đến thuốc giả của VN Pharma từ nhiều năm trước. Vụ việc thuốc giả liên quan đến vụ án VN Pharma, bà Lan cho rằng, sau khi cơ quan chức năng xử lý xong thì không ai nhắc đến trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với người tiêu dùng đã sử dụng thuốc giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm