Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý được khởi công vào tháng 3-2023, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2024. Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được quận Bình Tân hoàn tất để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi dự án này thi công xong sẽ xóa thêm một phần “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường huyết mạch đi vào trung tâm TP này.
Mặt bằng trống đến đâu nhà thầu thi công đến đó
Nhiều năm qua, đường Tân Kỳ Tân Quý đã đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch nối huyện Hóc Môn, các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình vào trung tâm TP, kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Chính vì vậy, dù là cao điểm hay thấp điểm tuyến đường này thường xuyên bị ùn ứ, người dân đi lại khó khăn và công việc buôn bán cũng bị ảnh hưởng.
Quay trở lại đường Tân Kỳ Tân Quý những ngày gần đây, khu vực này lại nhộn nhịp hơn hẳn. Người dân trên đường Tân Kỳ Tân Quý đang tất bật tháo dỡ nhà cửa để bàn giao một phần mặt bằng phục vụ dự án giao thông.
Anh Nguyễn Văn Tiên (quận Bình Tân) cho biết đường Tân Kỳ Tân Quý hiện hữu chỉ rộng khoảng 8-10 m, đường kết nối với đường Trường Chinh, Cộng Hòa nên lúc nào cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nay thấy dự án được mở rộng, người dân ai cũng mừng và mong dự án sớm hoàn thành để bà con đi lại thuận tiện hơn.
Bà Nguyễn Vũ Nhung (quận Bình Tân) cho hay từ khi dự án bắt đầu GPMB và triển khai thi công, công việc kinh doanh của gia đình cũng bị ảnh hưởng.
“Từ tuyến đường nhỏ hẹp, xe cộ chen chúc nhau, nay đoạn đường được giải phóng tới 30 m, người dân ai cũng mừng. Tôi thấy công trường luôn tấp nập thi công cả ngày lẫn đêm nên dù buôn bán có ảnh hưởng đôi chút nhưng thông cảm được. Đến khi đường mới được hoàn thành, đường Tân Kỳ Tân Ký thoát khỏi ùn ứ, công việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Vì vậy tôi mong bà con cùng đồng thuận, bàn giao toàn bộ mặt bằng để dự án hoàn thành nhanh nhất có thể” - bà Nhung nói.
Người dân hai bên đường Tân Kỳ Tân Quý mong sớm hoàn tất để giảm tải tình trạng ùn ứ. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Anh Hoàng Văn Nam (quận Tân Phú) cho rằng đường Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh - Cộng Hòa cũng là một nút thắt lớn. Vì vậy, bên cạnh mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý hiện nay, TP cũng cần mở rộng đồng bộ để tạo nên một đại lộ thông thoáng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này cả tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý mới thực sự giải quyết tình trạng ùn ứ được.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho biết dự án đầu tư mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân được khởi công vào tháng 3-2023. Dự án có điểm đầu giao với đường Bình Long, điểm cuối giao với đường Mã Lò, chiều dài gần 2 km.
Tuyến đường này sẽ được mở rộng lên 30 m, có hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, kèm hệ thống cây xanh chiếu sáng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 237 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 102 tỉ đồng.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Ban giao thông cho biết đến nay đơn vị thi công đã đào lắp đặt 812 m/3245 m cống D600 và đào lắp đặt 475 m/3635 m hào kỹ thuật. Hiện đạt khoảng 20% khối lượng công trình. Trong đó, địa phương bàn giao mặt bằng trống đến đâu, nhà thầu sẽ triển khai thi công đến đó.
Phấn đấu hoàn thành vào năm 2024
Chia sẻ về những khó khăn, Ban giao thông cho biết hiện dự án có mặt bằng thi công chật hẹp, vừa tổ chức thi công an toàn vừa phải đảm bảo công tác tổ chức giao thông tại khu vực được thông suốt. Đồng thời, hiện dự án cũng đang bị vướng công trình hạ tầng kỹ thuật như đường ống cấp nước, hệ thống lưới điện nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Theo đó, công trình vừa thi công vừa phối hợp với địa phương thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tiếp nhận mặt bằng thi công nên chưa thể thi công đồng bộ, cùng lúc các hạng mục làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Ban bồi thường, GPMB quận Bình Tân cho biết công tác bồi thường, GPMB được lập thành dự án riêng, do Ban bồi thường, GPMB quận Bình Tân làm chủ đầu tư với dự toán chi phí bồi thường là 995 tỉ đồng. Hiện có 215/380 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng. Dự kiến tiến độ bàn giao, GPMB cho Ban giao thông thực hiện trong năm 2023.
Ban giao thông cho biết sau khi nhận được toàn bộ mặt bằng, Ban giao thông sẽ tổ chức thi công hoàn thành trong quý IV-2024.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết hiện nay chỉ có một gói thầu trên địa bàn Bình Tân được triển khai thi công trước, làm dự án điển hình cho các dự án trên tuyến đường này. “Tuy nhiên để thực sự giải quyết ùn ứ, kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, TP cần sớm triển khai đồng bộ mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa và đoạn từ đường Bình Long đến đường Lê Trọng Tấn” - ông Phúc thông tin.
Trong đó, riêng đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa, HĐND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư tách thành ba dự án. Các dự án xây lắp do Ban giao thông làm chủ đầu tư, dự án bồi thường, GPMB các quận làm chủ đầu tư.
Hiện nay, dự án đang tạm dừng và chờ TP bố trí vốn trung hạn 2021-2025 để điều chỉnh chủ trương đầu tư và gộp dự án bồi thường, GPMB vào dự án xây lắp theo chỉ đạo của UBND TP.
Tương tự, đoạn từ đường Bình Long đến đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú cũng đang được Ban giao thông thực hiện ở giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 2,2 km. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4.027 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng khoảng 250 tỉ đồng, chi phí bồi thường, GPMB khoảng 3.642 tỉ đồng.
Ban giao thông cho biết hiện nay dự án đang chờ cấp có thẩm quyền có ý kiến về việc giao vốn chuẩn bị đầu tư, đồng thời chấp thuận để Ban giao thông tổ chức thực hiện công tác lập, đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định.•
Hai “nút thắt cổ chai” còn lại vẫn phải chờ vốn
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết đường Tân Kỳ Tân Quý được chia thành ba đoạn dự án khác nhau, đi qua nhiều quận. Trong đó có một đoạn đang triển khai thi công bình thường, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, hai đoạn dự án còn lại từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa đang bị vướng, do tổng mức đầu tư tăng. Vì vậy, thời gian tới sẽ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án này.
“Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý là dự án quan trọng, kết nối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nên cần cấp thiết mở rộng, đầu tư đồng bộ và ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Từ đó góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ cho cả khu vực” - ông Bằng nói.