Từ ngày 19-11, Cần Thơ đã ban hành văn bản cho F0 được cách ly, điều trị tại nhà.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế ngày 22-11, tính đến 14 giờ cùng ngày, Cần Thơ đã có 4.040 F0 được cách ly, điều trị tại nhà; 3.104 bệnh nhân đang điều trị theo mô hình tháp 3 tầng tại các bệnh viện.
Một sản phụ bị COVID-19 được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO tại trung tâm ICU COVID-19 - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: P.P
Về tình hình TP Cần Thơ đang thực hiện chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà như thế nào? Trao đổi với PLO ngày 23-11, BS Cao Hoàng Anh – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết sở đã tập huấn cho các Trạm y tế thường quy (cấp xã) và trạm y tế lưu động để theo dõi và hướng dẫn F0 chăm sóc sức khỏe tại nhà. Nếu có vấn đề về sức khỏe thì người dân sẽ liên hệ với trạm y tế, trạm y tế thông báo cho các trung tâm y tế, trung tâm y tế thông báo về cho sở y tế, rồi Ban thường trực, theo thứ tự.
Theo BS Hoàng Anh, hiện nay y tế cơ sở của TP Cần Thơ đủ điều kiện đảm trách điều trị cho F0 tại nhà. F0 ở nhà được phát gói thuốc A, gói thuốc C đang xin Bộ Y tế hỗ trợ, khi nào có sẽ cấp phát cho người dân. Gói thuốc B thì khi nào vào bệnh viện mới sử dụng.
“Việc theo dõi sức khỏe F0 có trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng, thông qua hệ thống quản lý chung một chiều của sở và các mạng lưới của quận, huyện. Tất cả thông tin, đường dây liên lạc đều qua nhóm này. F0 ở nhà có vấn đề gì thì liên hệ trực tiếp với người theo dõi mình. Trường hợp F0 chuyển nặng sẽ nhập viện vào các tầng điều trị, đầu tiên là các bệnh viện tuyến huyện, nặng hơn thì đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP hoặc Bệnh viện Y học cổ truyền” – BS Hoàng Anh thông tin thêm.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc hiện nay số giường điều trị ở tầng 1 đã quá tải thì với số F0 đang điều trị ở nhà hiện nay, TP có dự báo gì và nếu họ phải chuyển vào viện thì TP có đủ giường không? Bác sĩ Hoàng Anh cho biết, “hôm nay tôi sẽ ký công văn về việc những F0 ở tầng 1 mà không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ hai liều vaccine hoặc xét nghiệm một, hai lần âm tính thì cho về theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà để số giường đó dành cho F0 chuyển tầng nặng”.
Theo BS Hoàng Anh, dự kiến số người được cho về nhà chiếm khoảng 50% số đang nằm viện (hiện có 3.094 ca đang nằm viện).
Về xe cấp cứu, theo bác sĩ Hoàng Anh, “trước đây mình quá tải, không đủ xe, nếu cho về nhà bớt như thế thì khả năng điều động được, nhưng tốt nhất cần thêm khoảng 15 xe cứu thương nữa. Hiện có khoảng 30 xe, nhưng sẽ thống kê lại vì có một số xe chạy nhiều cũng có hư hao, cạnh đó cũng có một số xe mới được tài trợ. Về giường điều trị, hiện theo thống kê TP có 3.100 giường nhưng hiện nay một số bệnh viện dã chiến đang kê thêm nên tổng hết có thể khoảng 4.000 giường”.
Thành lập 52 Đội Y tế lưu động Trong ngày 20 và 22-11, UBND TP Cần Thơ đã có các quyết định thành lập 52 đội y tế lưu động, mỗi đội 4 thành viên là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và bác sĩ của trường này hỗ trợ hoạt động của các Đội Y tế lưu động. Theo đó, đội y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của trung tâm y tế quận, huyện và thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1, F0 được cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; Hỗ trợ trạm y tế khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thước, lấy mẫu xét nghiệm cho F1, F0 tại nhà. Cạnh đó, hỗ trợ trạm y tế kết nối với F1, F0, phát hiện trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo trạm y tế liên hệ với các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp. Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong cách ly F1, quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. Trước đó, Sở Y tế cho biết TP cũng đã thành lập 83 trạm y tế lưu động cấp xã và trang bị cơ sở vật chất, con người đầy đủ cho y tế cơ sở. |