UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích chùa Nam Nhã.
Theo tờ trình, việc tu bổ nhằm phát huy tinh thần bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa dân tộc. Di tích chùa Nam Nhã được tu bổ, sửa chữa và trùng tu một số hạng mục đã bị xuống cấp để phù hợp với nhu cầu sử dụng, góp phần gìn giữ, giới thiệu bản sắc văn hóa tôn giáo của địa phương. Việc tu bổ này nhằm lưu giữ nguyên bản, tu bổ, phục hồi các phần bị xuống cấp, hư hỏng.
Các hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và xây dựng mới được đề xuất gồm miếu Bà, hành lang nối chánh điện - Đông lang, hành lang nối Tây lang - khu bếp.
Dự toán kinh phí thực hiện hơn 699 triệu đồng. Nguồn vốn thực hiện từ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2019.
Chùa Nam Nhã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1991.
Theo mô tả trong tờ trình, hiện trạng di tích có cổng chùa xây bằng gạch, lợp ngói. Ở hai cột có đôi câu đối, hai chữ đầu của mỗi câu ghép lại thành tên chùa. Sân chùa lát gạch tàu, được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy. Giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2 m được đặt trong một bồn nước xây bằng gạch. Trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc bá diệp và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, nhiều tuổi, được cắt uốn rất công phu.
Chánh điện chùa có kiểu kiến trúc Á-Âu kết hợp. Chánh điện là một ngôi nhà gạch kiên cố, gồm năm gian, lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đặc biệt, mặt tiền chánh điện có kiểu kiến trúc Á-Âu kết hợp hồi đầu thế kỷ 20, khá khác với kiểu chùa truyền thống ở Nam Bộ.
Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bày trí rất trang trọng dùng làm nơi đặt bàn thờ Tam giáo Thánh nhân (có ba pho tượng thờ bằng đồng là Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và Đức Lão Tử). Đối diện với bàn thờ Tam giáo là nơi thờ Trấn đàn Hộ pháp Bùi Huệ Đức và nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa. Hai bên có bàn thờ Lịch Đại Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, và người sáng lập chùa là Thái Lão Sư Nguyễn Đạo Cơ, cùng bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Hai bên tiền điện có hai bàn hương án đặt bài vị của các nhà sư trụ trì và các vị tiền bối trong Đạo.
Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách. Bên phải và bên trái chùa là hai dãy nhà lợp ngói gọi là Càn Đạo Đường (dãy nhà Đông Lang) được liên kết với Chánh điện bằng hành lang làm bằng gỗ lợp mái ngói và Khôn Đạo Đường (dãy nhà Tây Lang).
Bên phải sân chùa là Miếu Bà, thờ phật bà Quan thế âm, được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói âm dương.