Cẩn trọng “thần dược” tăng trí nhớ

Các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TPHCM vừa cho hay cứ đến mùa thi cử lại tiếp nhận điều trị nhiều học sinh bị rối loạn tâm thần. Theo các bác sĩ, đã có trường hợp bệnh nhân là học sinh lên mạng tìm kiếm các loại thần dược bổ sung trí não với hy vọng cải thiện trí nhớ, mau thuộc bài. Tuy nhiên sau khi uống thì đau đầu, chống mặt và luôn la hét, có chứng gia tăng hành vi, rối loạn tập trung chú ý.

Ghi nhận các năm qua, các bác sĩ cho biết nhiều sĩ tử bị “ngộ độc” bởi loại thuốc được quảng bá có tác dụng bổ thần kinh, tăng trí nhớ, học bài mau thuộc. Có trường hợp phải nhập viện khẩn cấp vì uống quá nhiều thuốc Amphetamine vì cho rằng bồi bổ thần kinh. Không ngờ uống được vài liều xuống sức thấy rõ, lười ăn uống, khuôn mặt bỗng dưng đờ đẫn, lơ ngơ, hay lo lắng mơ hồ và đêm ngủ cứ giật mình thon thót.

Khi vào bệnh viện làm xét nghiệm, các bác sĩ giật mình khi biết thuốc Amphetamine là loại ma túy kích thích thần kinh bị cấm lưu hành rộng rãi nếu không có đơn chỉ định của bác sĩ. Người uống Amphetamine cảm nhận mình bỗng có một năng lực dồi dào, làm việc say mê nhưng thực chất bệnh nhân đã rơi vào rối loạn hưng phấn. Có tới 66% những người lạm dụng Amphetamine đều có thể rơi vào chứng rối loạn tâm thần: mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi….


Thống kê của Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho thấy, mỗi năm cứ đến các kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học đều tiếp nhận không dưới 10 em mắc các chứng bệnh liên quan đến các “thần dược” tăng trí nhớ. Có những trường hợp mới sử dụng, mắc nhẹ có thể chữa khỏi nhưng có trường hợp đã lạm dụng nhiều trở nên phát khùng, điên loạn hoàn toàn.

Hiện thị trường cũng đa dạng nhiều loại thuốc được quảng cáo tăng trí nhớ và rất dễ mua tại các nhà thuốc. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các loại thuốc “tăng cường trí nhớ” trên thị trường phần lớn dùng cho người bị suy giảm trí nhớ tạm thời chứ không phải dùng cho người bình thường.

Việc phụ huynh hoặc học sinh tùy tiện dùng thuốc bổ thần kinh vô tội vạ, không có đơn của bác sĩ sẽ có tác dụng ngược, gây nhanh quên, buồn ngủ. Nguy hiểm hơn, nếu dùng thuốc bổ thần kinh lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể suy kiệt.

Các chuyên gia y tế đều khẳng định, không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh hay tăng cường trí nhớ, chỉ có thuốc điều trị suy giảm trí nhớ. Không có bệnh mà uống thuốc là sai. Nếu dùng các loại thuốc tác động đến thần kinh thậm chí còn gây hại, suy giảm khả năng làm việc của bộ não, biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc…

Đặc biệt là các thuốc an thần gây ngủ như thuốc Seduxen có tác dụng an thần, giải tỏa căng thẳng, có thể giúp ích cho thí sinh tránh lo âu nhưng nếu lạm dụng lại gây ngủ và gây ra triệu chứng... quên. Ngược lại, với loại tác động mạnh như Amphetamine kích thích đầu óc tỉnh táo giúp học sinh chống lại cơn buồn ngủ nhưng nếu dùng thuốc kéo dài sẽ gây nghiện và có thể làm cơ thể suy kiệt.

Các chuyên gia cũng cảnh báo một người khỏe mạnh bình thường tuyệt đối không nên lạm dụng các chế phẩm “tăng cường sức khỏe” như các loại vitamin tổng hợp, các loại khoáng chất, axít folic... vì các chất này thường đã được cung cấp đầy đủ qua thức ăn.

Dùng nhiều sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Ngoài ra, không nên lạm dụng các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường chuyển hóa ở não vì các thuốc này chỉ được khuyến cáo sử dụng ở người già, máu nuôi não kém, các tế bào thần kinh bị lão hóa hoặc ở các bệnh nhân có tổn thương não. Hơn nữa cho đến nay, tác dụng của các loại thuốc trên cũng chưa được chứng minh rõ ràng.

Các chuyên gia tâm thần khẳng định, trong thời kỳ ôn thi, biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, căng thẳng của sĩ tử là dấu hiệu của áp lực học hành quá căng thẳng. Vì thế, những “phương thuốc” hiệu quả và an toàn là ăn uống đủ dinh dưỡng; giấc ngủ ngon (đi ngủ sớm và dậy sớm để học bài là phương pháp học tập khá hữu hiệu); học hành có phương pháp (dù ở nhà, thời gian tốt nhất để học mỗi lần là khoảng 40 - 45 phút)…

Theo QUỲNH CHI (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm