Nóng trong tuần

Cảnh giác trước những chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”

(PLO)- Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi 18-35, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin từ những bài viết “Bắt 2 người chuyên dụ dỗ, lôi kéo lao động sang Campuchia”, “Bình Thuận: Nạn dụ dỗ, lừa bán người sang Campuchia diễn biến phức tạp” đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Người lao động đang tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người lao động đang tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (TP.HCM).
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm những tội phạm kiếm tiền trên mồ hôi, nước mắt của những người lao động nghèo. Mọi người cần cảnh giác trước những lời dụ dỗ của kẻ xấu và không có chuyện việc nhẹ, lương cao đến một cách dễ dàng như vậy.

Hồi đầu tháng 7, Bộ Công an cũng phát cảnh báo trên cả nước về tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi 18-35, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu.

Cần giáo dục, tuyên truyền cho các bạn trẻ biết cuộc sống không bao giờ có chuyện dễ dàng, việc nhẹ, lương cao, không có cái lợi gì mà cho không, biếu không.

Muốn có việc nhẹ, lương cao đâu dễ

Bạn đọc Hải Âu bình luận: “Để có công việc tốt, nhiều người phải rất nỗ lực phấn đấu học hành, bằng cấp này, chứng chỉ kia. Khi ra trường cũng phải mất vài năm để học hỏi, có kinh nghiệm làm việc thì mới có được công việc tốt, lương cao. Cuộc sống hiện nay hiếm có chuyện không bằng cấp, không kinh nghiệm mà tìm được việc nhẹ, lương cao. Vì thế, mọi người hãy luôn cảnh giác trước những lời hứa hẹn như thế khi đi tìm việc”.

“Nhu cầu tìm việc làm và có thu nhập cao là nguyện vọng chính đáng của người dân. Tôi thấy những người bị lừa trong trường hợp này đa phần là những người dân ở nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, học thức không cao. Bởi nhận thức của họ còn hạn chế nên rất dễ thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này. Chính vì thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngoài việc mở các kênh tìm việc chính thống thì cũng cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác trước nạn buôn người, lừa người dân tìm việc làm dưới chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Hạnh.

Theo bạn đọc Phi Long, chính quyền địa phương các cấp nên tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức cộng đồng. Cần có những chính sách để hỗ trợ người dân có nguyện vọng đi lao động nước ngoài...

Những vụ lừa đi nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”

- Ngày 6-7, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai, cho biết Đồn biên phòng Ia O (ở xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã khởi tố vụ án liên quan mua bán người, lừa nhiều người dân ở Gia Lai sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”.

Đại tá Hải cho biết Đồn biên phòng Ia O đã bắt giữ và bàn giao đối tượng Trần Quang Quyết cho cơ quan công an tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Quyết là đối tượng tham gia lừa đảo, dùng chiêu trò dụ dỗ bảy công dân Gia Lai vượt biên trái phép sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”.

- Ngày 1-7, tại sân bay Nội Bài, TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn Lại Thị Loan và Nguyễn Mạnh Chiến đang tổ chức cho sáu người trốn sang Campuchia. Hai bị can này khai nhận do có thời gian làm việc tại Campuchia, từ tháng 6-2021 đến tháng 4-2022, Lại Thị Loan về nước và lôi kéo, dụ dỗ được sáu nam nữ thanh niên ở Hà Nam và hứa hẹn đưa sang Campuchia làm việc tại một cơ sở game với mức lương 900 USD/người/tháng. Mỗi người đi phải nộp cho Loan khoảng 4 triệu đồng.

- Tại tỉnh Thanh Hóa, mới đây, công an tỉnh này cho biết từ tháng 4 đến nay có 27 nạn nhân là người Thanh Hóa bị lừa sang Campuchia làm việc. Trong đó, 19 trường hợp đã được giải cứu, bốn trường hợp phải nộp tiền theo yêu cầu mới được trả về nước, bốn người còn lại đang bị khống chế, giam giữ trái phép ở Campuchia.

Phải xử nghiêm tội phạm buôn người

“Mong các cơ quan chức năng, cơ quan báo, đài tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về những chiêu trò lừa đảo của loại tội phạm này để người dân cảnh giác hơn. Cơ quan công an cũng triệt phá hết những đường dây tội phạm này để người dân an tâm hơn” - bạn đọc Mai Kiều.

“Đề nghị cơ quan công an điều tra quyết liệt, truy tìm kẻ cầm đầu và đưa ra một bản án thật nặng để làm gương. Những tội phạm kiếm tiền trên mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của người khác thì không thể tha thứ được” - bạn đọc Văn Dương.

“Cần giáo dục, tuyên truyền cho các bạn trẻ biết cuộc sống không bao giờ có chuyện dễ dàng, việc nhẹ, lương cao, không có cái lợi gì mà cho không, biếu không. Nếu không sáng suốt, cẩn thận tìm hiểu công việc làm trước khi quyết định, các bạn trẻ rất dễ sa vào bẫy của bọn lừa đảo” - bạn đọc Đức Nguyên.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm