Mục đích của việc đổi tiền thật lấy tiền giả để làm gì thì ai cũng rõ. Điều đáng nói ở đây là tại sao người ta ngang nhiên công khai đăng tin đổi tiền thật lấy tiền giả mà không sợ cơ quan chức năng xử lý.
Chỉ cần vào trang Facebook cá nhân, ở thanh tìm kiếm gõ từ “đổi tiền giả” sẽ hiện ra hàng trăm tài khoản đổi tiền giả trong cả nước. Ở dòng thời gian, có nhiều lời mời câu khách đại loại: “Tiền nhập từ Malaysia (hoặc Trung Quốc) về y như thật, nhanh tay đặt cọc với tỉ lệ 1 triệu đồng tiền thật sẽ thu về 10 triệu đồng tiền giả”, “Tiền được người đi buôn lậu từ Thái Lan sang Việt Nam rất khó khăn nên shop sẽ quy đổi với người dân trên toàn quốc theo tỉ lệ 1 triệu tiền thật = 7 triệu tiền giả”, “Muốn có nhiều tiền chơi lễ, chơi Tết hoành tráng hãy bơi vào đây đổi tiền...”.
Rất nhiều tài khoản Facebook cá nhân nhảy vào bình luận muốn được đổi tiền, sau đó được chủ shop online đổi tiền giả mời sang messenger bình luận riêng tư. Người chủ động đổi tiền giả còn chắc chắn tiền thật đến 97%, sẽ không bị phát hiện và bảo đảm sẽ giao trên toàn quốc. Cũng có nhiều người ngây ngô vào hỏi: “Tiền giả sao dùng được?”, “Không sợ công an bắt sao?”, “Liệu có đi tù không?”... Thật ra thì những tài khoản chào mời đổi tiền giả này không ngây dại đi làm chuyện phạm pháp phơi bày ngang nhiên trên mạng xã hội khi đăng ảnh, địa chỉ tường tận như vậy. Bởi theo Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả), người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù 3-7 năm. Tùy khối lượng tiền giả mà người phạm tội có thể bị phạt ở các mức khác nhau, mức cao nhất là tù chung thân.
Ở đây họ đã dùng những chiêu lừa khác. Cụ thể, nếu muốn có được cọc tiền giả nặng tay thì người muốn đổi phải chủ động đặt cọc trước 10%, 20% bằng cách chuyển khoản tiền qua ngân hàng. Hiện nay, hình thức lừa đảo này dễ bị cơ quan chức năng phát hiện nên bọn lừa đảo yêu cầu đặt cọc bằng hình thức gửi mã thẻ cào game Vcoin hoặc thẻ cào điện thoại. Sau khi mã thẻ cào đã được chuyển đi thì cũng là lúc những kẻ lừa đảo đánh bài chuồn, cắt ngay liên lạc. Nếu có bình luận phản hồi để đòi lại số tiền ấy thì cũng hoài công, vì họ đã chặn ngay các tin nhắn bất lợi. Đây cũng là lý do kẻ lừa đảo thay đổi Facebook liên tục để không bị phát hiện và trốn tránh cơ quan chức năng theo dõi. Nạn nhân thì không dám lên tiếng vì họ biết mình đang tiếp tay cho việc làm phạm pháp.
Thủ đoạn lừa đảo đã quá rõ ràng nên mọi người tránh xa những Facebook thế này. Thiết nghĩ rất cần việc điều tra rốt ráo từ phía cơ quan chức năng đối với những đối tượng này. Dù rằng bọn họ không mua bán tiền giả nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đã rõ.