Cao ốc Pacific: 2,5 tầng hầm xây lố được tha

Cao ốc Pacific: 2,5 tầng hầm xây lố được tha ảnh 1
Các tầng hầm xây lố của cao ốc Pacific được giữ nguyên để làm chỗ đậu xe cho công trình. Ảnh: HTD

Ngoài việc cho tồn tại 2,5 tầng hầm xây lố thành 5,5 tầng hầm, văn bản trên yêu cầu chủ đầu tư giữ nguyên quy mô công trình theo giấy phép cũ gồm 1 trệt và 20 tầng lầu (không chấp nhận đề nghị của chủ đầu tư xin được điều chỉnh lên 22 tầng lầu). Cao ốc chỉ được sử dụng vào công năng làm cao ốc văn phòng, không được thay đổi thành nhà hàng - khách sạn. Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư công trình cao ốc Pacific phải xử lý đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để khắc phục sự cố, hoàn tất việc bồi thường thiệt hại về vật chất cho các bên bị ảnh hưởng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 20-2, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Văn Hiệp, cho biết để đánh giá về chất lượng các tầng hầm cũng như biện pháp khắc phục sự cố của công trình cao ốc Pacific, Sở đã thành lập hội đồng khoa học gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng của cả nước. Theo nhận xét của hội đồng này, hiện nay các tầng hầm của công trình đảm bảo an toàn.

Công trình cao ốc Pacific vốn được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng với quy mô một trệt, 20 tầng lầu và ba tầng hầm năm 2005. Tháng 11-2007, chủ đầu tư khi thi công phần tầng hầm đã xây lố thêm 2,5 tầng so với giấy phép và đã gây sự cố làm sập Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, ảnh hưởng một số công trình lân cận. Tháng 1-2008, Sở Xây dựng thu hồi giấy phép xây dựng trên, đình chỉ thi công tất cả hoạt động tại cao ốc. Cuối năm 2008, chủ đầu tư có văn bản báo cáo đã hoàn tất việc khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho công trình và xung quanh. Tuy nhiên, số phận các tầng hầm xây lố được giải quyết như thế nào, phải lấp theo đúng giấy phép cũ hay cho tồn tại thì đến nay mới được quyết định như trên.

Về sự cố cao ốc Tháp Saigon M&C khi thi công tầng hầm đã làm sập một số nhà trên đường Hàm Nghi, quận 1 (đêm 31-1), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho biết chủ đầu tư công trình đã báo cáo phương án khắc phục sự cố trình Sở Xây dựng xem xét. Theo ông Hiệp, phương án này là khả thi và giải quyết được triệt để các lỗi. “Sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư cũng phải áp dụng các biện pháp này cho những vị trí tương tự dù chưa xảy ra sự cố để đảm bảo an toàn tuyệt đối” - ông nhấn mạnh.

Về nguyên nhân, ông Hiệp đánh giá là do lỗi kỹ thuật của nhà thầu trong quá trình thi công tường vây các tầng hầm của công trình. Trước đây, tại địa điểm xây dựng cao ốc này là một công trình cũ (vũ trường Phi Thuyền) có một tầng hầm với tường vây dày khoảng sáu tấc, sâu khoảng 10 m. Trong khi đó, cao ốc Tháp Saigon M&C được xây với năm tầng hầm, tường vây dày 1 m, sâu hơn 40 m. “Do tận dụng diện tích nên diện tích các tầng hầm mới lớn hơn tầng hầm cũ và có những điểm giao nhau. Tại điểm này, việc xử lý phần phía dưới đáy hầm không được triệt để, vì thế có thể xem như tường vây bị khuyết tật. Từ đó, bùn đất và nước từ bên ngoài kéo vào, dẫn đến công trình lân cận bị sập” - ông giải thích.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm