Câu chuyện từ lò nung nồi đất cuối cùng ở Biên Hòa

Sản phẩm của xóm Lò Nồi chủ yếu là đồ gia dụng như bếp lò, nồi nấu cơm, cái om, niêu kho cá, cái cơi tráng bánh, khuôn bánh khọt… Gần một thế kỷ tồn tại, đã có lúc nghề này rất hưng thịnh và phát triển mạnh, tạo nên “thương hiệu” bếp lò, nồi đất nung Bửu Long đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi như TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau này, nồi, niêu ,xoong, chảo, ấm, lẩu bằng nhôm, inox phát triển ồ ạt và tiện lợi nên nồi, bếp đất nung Bửu Long đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều hộ làm nghề phá sản hoặc chuyển sang làm kinh tế khác. Thời “vàng son” của làng nghề đã rơi rụng dần. Từ hàng chục hộ, đến nay xóm Lò Nồi Bửu Long duy nhất còn một hộ đeo bám và duy trì nghề.

Ông Trần Văn Tám (75 tuổi), được coi là người còn giữ lửa lò nung nồi đất cuối cùng ở xóm Lò Nồi Bửu Long. Gia đình ông có truyền thống 5 đời làm nghề. Ông Tám trăn trở: “Bỏ thì cũng không đành, mà theo thì cực lắm. Ngồi “nặn” và phơi nắng ngoài trời cả ngày, mỗi tháng chỉ dư ra hơn triệu đồng, đủ ăn, không lỗ là may. Nếu giờ làm ăn có lời hàng chục lò nung khác trong xóm người ta đã không bỏ nghề rồi”.

Theo ông Tám hiện để làm ra sản phẩm khó nhất là nguồn nguyên liệu đất sét vàng đang ngày càng khan hiếm, chỉ duy nhất ở vùng Bửu Long có loại đất sét vàng mà thôi. Đất sét làm làm nồi, bếp... khác với đất sét làm gạch, ngói. Đất sét Bửu Longlà loại đất đặc biệt, những cáinồi, bếpđược nặn từ đất này ra, sau khi nung lên đỏ tươi trông bắt mắt và xài rất bền.

Một mẻ niêu nặn xong phải đi đem phơi 2 -3 ngày nắng cho khô cứng lại trước khi đem vào lò nung chín.

Với mẻ bếp “ông táo” thì phải phơi nắng ít nhất 4 ngày để bếp lò rắn chắc và không bị vỡ khi đun nấu.

Nếu gặp những ngày có thời tiết không thuận lợi như ít nắng, mưa bão thì mẻ sản phẩm nặn xong phơi không kịp phải đổ bỏ. Bởi vậy cái nghề này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, 1 năm chỉ tập trung vào 6 tháng mùa nắng mà thôi.

Sau khi mẻ nồi, niêu, bếp phơi đủ nắng thì người thợ xếp vào lò lửa tiếp tục công đoạn nung chín. Chỉ dùng củi chà nhỏ, cành cây khô để chụm lửa cho lò nung. Nhiệt độ lò nung luôn giữ khoảng 800 độ C, thời gian nung khoảng 48 giờ. Một kỳ ra lò, nếu có từ 70- 80 % lượng sản phẩm “chín” đạt yêu cầu là thành công. Do đó người thợ lò phải là người có kinh nghiệm canh lò. Hiện tại, công đoạn nung do người con rể của ông Tám đảm nhiệm...

Theo ông Tám thì cái lò nung hình thang này có tuổi thọ gần 80 năm, 5 đời dòng họ Trần gắn bó với lò. Cho nên đến đời ông phải làm sao luôn giữ lửa cho lò không bao giờ tắt, tàn canh nguội lạnh.

Bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Trần Văn Tám) cũng chia sẻ: “Làm nghề này vất vả nắng mưa, tay chân bê bết nên con cái có người theo nghề, có người đi làm công nhân. Dù vậy, hai vợ chồng bà luôn nhắc nhở nhau người phụ nghề, chứ nghề không phụ người. Sản phẩm làm ra tùy loại chỉ bán với mức giá từ 15.000 – 25.000 đồng/cái cũng đủ chi tiêu gia đình và lo con cái ăn học đàng hoàng...”.

Bà Trần Thị Mười (em gái ông Tám) mỗi ngày nặn được từ 40 cái nắp niêu, bà Mười thật thà nói :“Nặn dễ nhất là nồi, niêu... khó nhất là siêu, ấm, bếp lò...Tụi trẻ bây giờ không ai ham học nghề này nữa rồi, chỉ có lớp người già như tụi tui cố ngồi khụm lưng làm để mà nhớ tổ tiên, ông bà, quê hương...”.

Thương hiệu “Lò đất ông Tám”, “Nồi đất ông Tám” làm hoàn toàn bằng thủ rất đều, đẹp và chất lượng nên ổn định đầu ra vì nhiều nơi tin dùng và đặt hàng. Đặt biệt, có công ty nước ngoài ở KCN tỉnh Bình Dương liên hệ với cơ sở nhà ông Trần Văn Tám ký hợp đồng làm cái om đất theo mẫu sẵn với số lượng đáng kể.

Ông Tám hồ hởi cho biết thêm chính quyền địa phương, ban ngành tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến “lò nung đất cuối cùng” của nhà ông. Ông được xét cho vay vốn ưu đãi sản xuất, hỗ trợ đưa sản phẩm đi quảng bá, triển lãm các hội chợ thủ công mỹ nghệ. Từ đó, ông Tám có thêm niềm tin và động lực để gắn bó với cái nghề gần như đeo đuổi suốt cuộc đời ông.

Nhờ người có tấm lòng như ông Tám luôn biết gìn giữ và phát huy nghề truyền thống thủ công của ông cha nên con cháu hôm nay mới tìm thấy những dấu xưa vẫn còn đâu đó... từ những đồ dùng gần gũi, bình dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm