Sau khi Tập đoàn PAN nắm giữ tỉ lệ sở hữu 50,07% tại Công ty Cổ phần Bibica, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc công ty, giờ đây đã cảm thấy thanh thản, dù tự nhận chính mình có lỗi trong việc tạo ra cuộc chiến trong lòng nội bộ Bibica.
“Không còn lo cạnh tranh quyền lực”
. Phóng viên: Đến thời điểm này, ông hài lòng điều gì nhất?
+ Ông Trương Phú Chiến: Cuộc chiến nhằm giữ gìn sự tồn tại và phát triển thương hiệu Bibica đã lấy đi rất nhiều nội lực, sức sáng tạo, sự tập trung cho cạnh tranh trên thương trường. Hệ quả là có thời điểm việc kinh doanh của công ty lao dốc.
Nhưng giờ đây tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi thương hiệu Bibica đã trao đúng người (Tập đoàn PAN trở thành cổ đông lớn chi phối Bibica). Nội bộ đoàn kết, cùng chung quyền lợi, đồng thuận về định hướng phát triển. Do vậy nội lực của Bibica chỉ còn tập trung cho sự phát triển về quy mô sản xuất, tăng doanh số, đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị phần ngày càng lớn mạnh hơn. So với trước đây, không có sự đồng thuận, toàn bộ sức mạnh nội lực của Bibica gần như bị triệt tiêu.
. Đó là về phía công ty, còn bản thân ông thì sao?
+ Tôi bây giờ không còn bận tâm đối phó với những tranh giành quyền lực. Với những sức lực còn lại, tôi sẽ nỗ lực làm việc đến cùng cho mục tiêu duy nhất tăng trưởng và phát triển thương hiệu Bibica. Có thể nói đến thời điểm này, thương hiệu Bibica ngày một tốt hơn và điểm quan trọng nhất, vẫn duy trì thương hiệu Việt cho đất nước.
. Ông có nghĩ rằng mình có lỗi trong việc hợp tác với Lotte không?
+ Đúng là vậy. Giờ đây nhìn lại câu chuyện đã qua, tôi thấy có nhiều vấn đề mình đã nóng vội, không phân tích và đánh giá một cách cẩn trọng khi bắt tay hợp tác với đối tác nước ngoài quá lớn trên nhiều phương diện. Bibica chọn Lotte là một doanh nghiệp hàng đầu tại Hàn Quốc, năng lực tài chính mạnh nên chuyện họ muốn biến Bibica thành công ty con là điều đương nhiên.
Tổng Giám đốc Bibica, ông Trương Phú Chiến, nói rằng ông không thích ngồi bàn giấy mà thích đi thực tế. Ảnh: PM
Không đồng thuận thì khó chung một đường
. Liệu có sự nghịch lý khi chính ông là người đưa Lotte về cùng mái nhà Bibica với kỳ vọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh doanh. Nhưng khi câu chuyện hoàn toàn không theo ý định, ông cũng chính là người quyết liệt chống lại sự thâu tóm?
+ Để đi đến sự hợp tác giữa Lotte và Bibica ở thời điểm ban đầu, ngồi trên bàn đàm phán, hai bên chủ yếu tìm hiểu các điểm mạnh của nhau. Tất nhiên, giai đoạn này chẳng ai bộc lộ các ý định, mục tiêu thực sự nhắm đến.
Lotte nhìn thấy các lợi thế của Bibica là mạng lưới phân phối rộng khắp, hệ thống nhà máy, cơ sở hạ tầng tốt, một thương hiệu nổi bật trong tâm trí người tiêu dùng. Ngược lại, Bibica muốn có đối tác mạnh về tài chính, sự am hiểu ngành, một thương hiệu quốc tế hàng đầu trong khu vực châu Á mà dựa vào đó có thể giúp nâng tầm kinh doanh Bibica.
Tất nhiên, nếu các bên thấy rõ các đường đi nước bước của nhau thì đó là hợp tác. Ngược lại, các bên có ý định khác nhau chắc chắn diễn ra cuộc đối đầu không khoan nhượng.
. Nhưng không thể phủ nhận Lotte ít nhiều đã có những hỗ trợ thiết thực cho Bibica?
+ Trong giai đoạn đầu Lotte đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhãn hàng và dây chuyền sản xuất bánh Choco Pie. Chúng tôi đã xuất khẩu được sang một số thị trường châu Á và đến hiện nay vẫn duy trì phát triển. Không thể phủ nhận hết công sức của Lotte. chính họ đã giúp Bibica sở hữu, nâng cấp một số công nghệ, kỹ thuật mới cũng như cải thiện các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng mục đích ban đầu Bibica chấp nhận bắt tay với Lotte là để phát triển thương hiệu Bibica mạnh hơn chứ không phải để xóa bỏ thương hiệu bánh kẹo này.
“Vào Bibica không phải để mua một cuộc chiến” Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, cho biết sự việc diễn ra tại Bibica là mối quan hệ giữa Bibica và Lotte. “Tại thời điểm PAN đầu tư vào Bibica, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ chiến lược phát triển của Bibica hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của PAN nên đầu tư vào. Chúng tôi vào Bibica không phải để mua một cuộc chiến” - ông Hưng khẳng định. Ông Hưng cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân khi rót vốn vào Bibica rằng: “Chúng tôi chỉ có mục tiêu duy nhất là xây dựng Bibica vững mạnh và giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam”. |
Quyết giữ thương hiệu Việt
.Ông có một suy nghĩ có vẻ khá cứng nhắc, vì nhiều doanh nghiệp Việt khi lớn mạnh họ sẵn sàng chuyển nhượng toàn bộ công ty cho nước ngoài, còn ông cương quyết giữ lại thương hiệu Việt?
+ Thực tế trong kinh doanh, mỗi người có những định hướng, lối đi khác nhau. Đương nhiên, một ông chủ quyết định chuyển nhượng doanh nghiệp chắc hẳn là có lý do. Nhưng nếu một ông chủ thật tâm muốn phát triển thương hiệu dành cho người tiêu dùng, hay xa hơn là cho đất nước thì không ai nghĩ đến việc chuyển doanh nghiệp cho người khác.
Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều cần thương hiệu nội địa để lấy làm tự hào và là bàn đạp cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Các nhà kinh doanh luôn nghĩ về khoản lợi nhuận, nhưng nếu để lại cho đất nước một thương hiệu trường tồn sẽ luôn tốt hơn là cầm một khoản tiền rồi thôi.
. Vậy vì sao mới đây Bibica lại tiếp tục bắt tay với Tập đoàn PAN, thậm chí PAN trở thành cổ đông lớn nhất, vượt mặt Lotte và nắm quyền chi phối Bibica?
+ Vì tôi nhìn thấy đây là một công ty có những khát vọng đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu toàn cầu. Hơn nữa, PAN đang có đầy đủ nguồn lực để thực hiện khát vọng này.
Mặt khác, trong lĩnh vực kinh doanh luôn cần có sự đối trọng. Một khi đối trọng được cân bằng buộc các bên phải nghĩ đến lợi ích cho Bibica, thay vì chỉ nghĩ đến các quyền lợi của riêng mình. Tôi chỉ mong các cổ đông lớn cùng đồng lòng, đồng thuận hợp sức phát triển Bibica.
. Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Thâu tóm bất thành Trong năm 2018, thương vụ hợp tác giữa VinaCapital và Ba Huân bị đổ vỡ. Ba Huân cho rằng, VinaCapital có ý đồ thâu tóm công ty và đặt ra quá nhiều điều kiện "ép" công ty. Ba Huân sau đó kêu cứu Thủ tướng và dẫn đến tranh luận trái chiều ai đúng ai sai trong trường hợp này. Và VinaCapital ra thông báo chấm dứt hợp tác đầu tư, và 2 bên hoàn trả lại mọi thứ như từ đầu. Câu chuyện hợp tác với đối tác ngoại chưa bao giờ là dễ dàng vì khác biệt văn hóa, quan điểm kinh doanh, chưa kể các ý đồ không thành thật đằng sau đó. Thực tế đã có công ty Việt đã bảo vệ thành công thương hiệu Việt Nam trước các ý đồ thâu tóm của đối tác ngoại. Bibica là một câu chuyện điển hình như vậy. Cụ thể năm 2009, Bibica hợp tác với Lotte. Tuy nhiên, đến năm 2012, cuộc chiến Bibica và Lotte bắt đầu. Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất tại Bibica với việc sở hữu tới 38,6% vốn điều lệ tại đây, Lotte đã tỏ rõ ý đồ muốn thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp này, khởi đầu bằng việc đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica nhưng không thành. Để tránh bị Lotte thâu tóm, Bibica quyết định bắt tay với Tập đoàn PAN và bán 35% cổ phần cho tập đoàn này để làm đối trọng với Lotte trong việc phát triển công ty. Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Bibica, Lotte là cổ đông lớn nắm giữ tới 44,03% vốn cổ phần. Nhưng Tập đoàn PAN mới đây đã nâng cổ phần nắm giữ của mình lên mức 50,07% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây.
Tôi không thích ngồi bàn giấy Tổng Giám đốc Bibica, ông Trương Phú Chiến, cho biết ông làm việc ở Bibica đến nay đã gần 30 năm. Bắt đầu từ một nhân viên bình thường cho đến vị trí tổng giám đốc. “Tính tôi thích gắn bó, không muốn thay đổi và khi làm một công việc gì đó mà cảm thấy thích thú, say mê thì sẽ gắn bó lâu dài với nó” - ông Chiến chia sẻ. Tổng Giám đốc Bibica cũng tiết lộmỗi tháng ông phải đi công tác vài lần, mỗi chuyến đi có thể 5-7 ngày để gặp gỡ nhà phân phối, đại lý, nhân viên kinh doanh. “Mục tiêu để nắm bắt được nhu cầu thị trường, thấu hiểu được những vất vả của những nhân viên làm thị trường, xem xét các đối thủ kinh doanh đang làm gì… để có chiến lược phù hợp, sát thực tế” - ông Chiến cho biết. |