Chiều 1-7, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm sau khi các hội đồng thi THPT quốc gia quét xong bài thi trắc nghiệm và gửi dữ liệu gốc về Bộ GD&ĐT.
Cẩn trọng để tránh sự cố
Bốn ngày sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, Bộ GD&ĐT mới công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm. Trước đó, lý giải về quy định hoàn toàn khác với các năm trước này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay việc này là để đảm bảo các quy trình kỳ thi được diễn ra an toàn, hạn chế tối đa những tiêu cực liên quan có thể xảy ra. Theo đó, Bộ GD&ĐT lo ngại việc công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kỳ thi có thể dẫn đến việc tẩy xóa kết quả thi để điền theo đáp án của Bộ GD&ĐT như đã từng xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La.
Trong ngày hôm qua, 1-7, nhiều đoàn thanh tra chấm thi của Bộ GD&ĐT tiếp tục công tác thanh tra tại các địa phương. Làm việc tại tỉnh Long An, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu tất cả khâu liên quan tại điểm chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối đúng quy định, quy chế, từ việc giao nhận túi bài thi phải kiểm tra niêm phong đến các khâu sau khi kết thúc một ngày chấm thi; từ biên bản có chữ ký đầy đủ đến phân công người trực đêm tại điểm thi phải đảm bảo an toàn, nghiêm ngặt. Ban chỉ đạo phải sát sao, thường xuyên, liên tục kiểm tra, nhắc nhở, quán triệt các cán bộ làm công tác liên quan chấm thi cả tự luận và trắc nghiệm, tránh sai sót dù là nhỏ nhất trong các khâu.
Ngoài ra, các lực lượng tham gia như công an, thanh tra, phục vụ… phải được nắm vững quy chế, cũng như kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Nếu có bất cứ vấn đề gì cần trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo gì cần liên lạc ngay với Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia để hướng dẫn, trao đổi kịp thời.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019, đi kiểm tra công tác chấm thi tại hội đồng thi tỉnh Bắc Giang. Thứ trưởng đề nghị ban chấm thi tự luận đã có khối lượng chấm thi (gần 30% tổng bài thi) nên khâu chấm, kiểm tra phải chấm đuổi theo tiến độ chấm và chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi tự luận; ưu tiên chấm kiểm tra các bài đạt điểm cao. Yêu cầu đặt ra đối với công tác chấm thi năm nay là đúng tiến độ nhưng không vì áp lực thời gian mà bỏ qua yêu cầu chấm kỹ, chấm chính xác đáp án, biểu điểm.
Các thí sinh tại phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2019 ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đã xuất hiện 9 điểm môn văn tại TP.HCM
Tính đến ngày 1-7, khối lượng bài thi đã được Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang chấm đạt khoảng 25%-30%. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày 4-7, Bắc Giang sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận. Kết quả chấm bài thi THPT quốc gia năm 2019 môn ngữ văn tại tỉnh Bắc Giang cho thấy phần lớn số bài văn đạt 5-6 điểm; không có nhiều bài đạt trên 7 điểm, đã có bài đạt 8,5 điểm; điểm thấp nhất trong số bài đã chấm là 0,75 điểm. Năm nay đáp án môn ngữ văn rõ ràng, dễ chấm, mức chênh lệch điểm thường là 0,25.
Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT đã huy động 2.000 cán bộ tham gia chấm thi tự luận bắt đầu từ ngày 30-6. Theo các giáo viên, năm nay việc chấm thi diễn ra nghiêm ngặt hơn, họ không được mang bất cứ vật dụng gì vào phòng chấm. Điện thoại di động cũng phải để ngoài, không được sử dụng. Một giáo viên cho biết những xấp bài họ chấm chủ yếu là học sinh ở trung tâm giáo dục thường xuyên nên điểm khá thấp, điểm dưới trung bình khá nhiều. Thực tế, trong quá trình chấm bài đã xuất hiện bài thi đạt điểm 9 nhưng rất hiếm.
Tại Bình Dương, trong ngày 1-7, sau khi tập huấn quy chế và thống nhất đáp án, buổi chiều hội đồng chấm tự luận đã bắt đầu làm việc. Theo một giáo viên, dù mới chấm với số lượng bài không nhiều nhưng các em làm bài khá tốt. Năm nay, có khả năng điểm ngữ văn cao hơn năm ngoái bởi phần nghị luận xã hội thí sinh dễ thể hiện. Hơn nữa, đáp án chính thức từ Bộ cũng thoáng nên thí sinh dễ lấy điểm. Vì thế, dù mới chỉ chấm một buổi chiều mà đã có những bài thi đạt điểm 8, 9.
Trong khi đó, theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, ngay trong chiều 27-6, các ban của hội đồng thi như ban thư ký, làm phách, chấm thi tự luận, trắc nghiệm đã tiến hành làm việc. Riêng công tác chấm thi tự luận do Sở GD&ĐT chủ trì. Sở đã điều hơn 100 giáo viên THPT tham gia, việc chấm thi bắt đầu từ sáng 1-7. Trong khi đó, các môn thi trắc nghiệm do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì. Hiện nay, các phòng chấm thi trắc nghiệm lẫn tự luận đều đã được lắp đặt camera giám sát 24/24 giờ và bố trí lực lượng an ninh hỗ trợ bên ngoài.
Công bố ngưỡng điểm ngành sức khỏe, sư phạm trước ngày 21-7 Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 16-7. Từ ngày 14 đến 23-7, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo của thí sinh. Hiệu trưởng trường phổ thông cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh chậm nhất ngày 21-7. Năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe trước ngày 21-7. Các trường ĐH, CĐ sư phạm công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường dự kiến trước ngày 22-7. |