Tháng 3-2018, UBKT Trung ương khẳng định ngoài những vi phạm được UBKT Trung ương kết luận (cuối tháng 6-2017) và đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, qua kiểm tra lần này cho thấy bà Mỹ Thanh còn có thêm một số vi phạm, khuyết điểm. UBKT Trung ương xét thấy những vi phạm, khuyết điểm của bà Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật.
Ngày 4-5, Ban Bí thư Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng. Ngày 14-5, căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Nhiều cử tri bức xúc về sai phạm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý cụ thể. Ảnh: VH
Tuy nhiên, sau hai lần kết luận của UBKT Trung ương về những vi phạm của bà Mỹ Thanh mà chưa có quyết định kỷ luật, việc bà Mỹ Thanh vẫn có những buổi tiếp xúc cử tri sau đó khiến rất nhiều cử tri bức xúc.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Long Thành, cử tri Triệu Văn Thanh đặt câu hỏi: “Sai phạm của bà Mỹ Thanh như vậy còn đủ tư cách làm trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nữa hay không? Nếu đủ thì đủ như thế nào, còn không đủ tư cách thì bao giờ nghỉ?”.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ ĐBQH số 3 ở thị xã Long Khánh, một cử tri cũng thể hiện sự bất bình: “Bà Thanh vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn là trưởng đoàn ĐBQH, là đại biểu của dân. Thật không thể chấp nhận được!”.
Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) cho rằng: “Những sai phạm của bà Mỹ Thanh được trung ương kết luận là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất nhiều tháng sau thì việc xử lý sai phạm của bà Mỹ Thanh mới có quyết định. Việc chậm trễ xử lý một cán bộ giữ chức vụ cao trong Đảng, trong chính quyền đã khiến chúng tôi chưa hài lòng. Chúng tôi cần sự nhanh chóng, quyết đoán, đúng đắn của cơ quan trung ương có thẩm quyền”.
“Đã có kết luận vi phạm mà còn xuất hiện trước dân là thiếu coi trọng dân” Ông NGÔ ĐA, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Hiện nay, quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao sai phạm còn mất quá nhiều thời gian. Tâm lý thường tình là khi phát hiện sai phạm của cán bộ cấp cao thì niềm tin trong nhân dân đã không còn nữa nên phải xử lý thật nhanh. Nếu dân thấy cán bộ của họ khi đã sai phạm mà còn xuất hiện trước dân như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, vừa qua chắc chắn họ sẽ không đồng tình. Theo tôi, trước hết khi sai phạm bị đưa ra thì cá nhân cán bộ đó phải tự nhìn lại mình, phải tự chịu trách nhiệm, làm sao chấm dứt việc tiếp xúc với dân cái đã. Cán bộ này phải có tinh thần tự giác, tự trọng. Người có lòng tự trọng không bao giờ dám mang danh chức vụ ra tiếp tục giải quyết công việc cho dân được trong khi uy tín đã không còn. Không có một người dân nào chấp nhận cho một cán bộ sai phạm, mất uy tín đứng ra làm việc với dân như bình thường được. Ông NGÔ ĐA, nguyên Chánh Văn phòng Giảm bố trí công tác đối với cán bộ sai phạm Ông TỐNG HỮU CHÂU, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Người dân hiểu rằng quy trình xử lý kỷ luật cán bộ phải tuân thủ quy định pháp luật nên mất nhiều thời gian. Nhưng trong thời gian chờ từ khi có kết luận vi phạm đến khi có quyết định kỷ luật đối với cán bộ sai phạm, tổ chức Đảng phải có động thái để làm an lòng dân. Khi sai phạm của cán bộ còn đang được điều tra, chưa rõ ràng thì chưa nói. Còn khi UBKT Trung ương đã ra kết luận cuối cùng về sai phạm đó thì chắc chắn cá nhân đó khó có thể tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình với dân được nữa. Còn nếu vi phạm hình sự thì tất nhiên theo quy định là phải tạm đình chỉ công việc để phục vụ công tác điều tra. Từ đó, thiết nghĩ với những vụ đã có kết luận vi phạm từ cơ quan kiểm tra của Đảng và đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định thi hành kỷ luật thì khi bố trí công tác, tổ chức phải tính toán, hạn chế nhiệm vụ lại, hạn chế ký giấy tờ, hội họp, xử lý công việc hay xuất hiện trước dân. Vì đây là việc liên quan đến uy tín của cá nhân và tổ chức đó. Quan trọng cuối cùng, người dân cũng chỉ mong khi phát hiện sai phạm thì Đảng và Nhà nước phải xử lý công minh, kịp thời, tới nơi tới chốn, đúng người đúng tội. Ông TỐNG HỮU CHÂU, LÊ THOA ghi |