Vạch trần sự thật về nhóm 'Trừ quỷ Bảo Lộc' - Bài 2

Chân tướng người cầm đầu 'Trừ quỷ Bảo Lộc'

(PLO)- Hành vi đội lốt tôn giáo, sai lạc về giáo lý, giáo luật của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” khiến người dân bất bình và các chức sắc tôn giáo địa phương cũng phản đối gay gắt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh hoạt động tôn giáo trái phép, chữa bệnh phản khoa học, tuyên truyền mê tín dị đoan, bất chấp các chế tài và phản ứng gay gắt từ dư luận của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” do linh mục Nguyễn Chu Truyền, bà Nguyễn Thị Thương thực hiện.

Bất chấp chế tài và dư luận

Theo giám mục Giáo phận Đà Lạt, Nguyễn Chu Truyền là linh mục từng làm quản hạt, quản xứ Bảo Lộc nhưng thường xuyên gieo rắc lời lẽ, hành vi trái với giáo lý, giáo luật, đi ngược đạo lý, gây phản ứng trong cộng đồng. Dù được giám mục Giáo phận Đà Lạt nhiều lần nhắc nhở nhưng thay vì sám hối, tu dưỡng, ông Truyền lại mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều giáo phận trong cả nước.

Hàng chục người dân thường xuyên tập trung ở nhà bà Nguyễn Thị Thương vì tin những trò ma quỷ. Ảnh: V.TÙNG

Hàng chục người dân thường xuyên tập trung ở nhà bà Nguyễn Thị Thương vì tin những trò ma quỷ. Ảnh: V.TÙNG

Phụ tá đắc lực cho ông Truyền trong nhóm hoạt động tôn giáo trái phép là Nguyễn Thị Thương. Sau khi sinh con và tự đồn thổi đó là “thai Thánh” do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng, Thương hoang tưởng bản thân được ơn hiệp thông với Chúa cha nên có khả năng chữa bệnh, trừ quỷ và rêu rao mình là thư ký của “Chúa cha”.

Tháng 8-2015, sau khi Tòa giám mục Đà Lạt bổ nhiệm linh mục Nguyễn Chu Truyền giữ chức quản hạt Bảo Lộc, ông này đã nhận Thương làm “con thiêng liêng”, đồng thời đổi tên thành Nguyễn Chu Thiên Thương. Từ đó, Thương trong vai thư ký kiêm giúp việc cho linh mục và khẳng định ông Truyền là người được đức Chúa chọn làm giám mục thời kỳ cuối cùng.

Được linh mục quản xứ đỡ đầu, năm 2016 Thương lập ra nhóm “Chúa cha”, lôi kéo giáo dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Linh mục Truyền cũng tham gia nhóm này tại nhà riêng của Thương và từ năm 2017 đã ngang nhiên cho nhóm “Chúa cha” đến sinh hoạt tại nhà thờ Bảo Lộc.

Công an TP Bảo Lộc làm việc với chồng bà Thương. Ảnh: V.TÙNG

Công an TP Bảo Lộc làm việc với chồng bà Thương. Ảnh: V.TÙNG

Không chấp nhận những việc làm của linh mục Truyền, tháng 8-2017, Tòa giám mục Đà Lạt ra quyết định cách chức quản hạt, quản xứ Bảo Lộc, điều chuyển linh mục Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Thánh Mẫu - Đà Lạt và cùng lúc thông báo đến các linh mục quản xứ trong giáo phận cấm nhóm “Chúa cha” sinh hoạt tại nhà thờ.

Tuy nhiên, ông Truyền không chấp hành mà giữ thái độ ngoan cố. Từ tháng 5-2020, sau khi khánh thành “nhà Chúa cha” ở nhà riêng của Thương, nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động trái phép và “chữa bệnh trừ quỷ” với tên gọi nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”.

Xét thấy những hành động tự tách mình ra khỏi Hội thánh và linh mục đoàn Giáo phận Đà Lạt của linh mục Nguyễn Chu Truyền, ngày 25-9-2020, Tòa giám mục Đà Lạt đã ra quyết định giải nhiệm chức quản xứ Thánh Mẫu (TP Đà Lạt), buộc linh mục Truyền về tu tại Đan viện Châu Sơn - Đơn Dương, không được điều hành công tác mục vụ, không được làm lễ, không được tiếp khách, hạn chế đi lại.

Đáng nói, ông Truyền vẫn tự ý rời Đan viện Châu Sơn đến ở “nhà Chúa cha” và tham gia nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” mà không xin phép giám mục.

Từ lý do trên, ngày 6-12-2020, Tòa giám mục Đà Lạt ra thông cáo gửi các linh mục Giáo phận Đà Lạt quyết định áp dụng vạ huyền chức “treo chén” đối với linh mục Truyền. Nghĩa là ông Truyền không được thực hiện chức năng linh mục.

Bất chấp các thông cáo, thư định hướng, răn đe của Tòa giám mục Đà Lạt, sự nhắc nhở của chính quyền, phản ứng từ dư luận, ông Truyền vẫn giúp sức cho Thương và nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” chữa bệnh một cách nhảm nhí. Ngày 29-3-2022, một người dân tên ĐTL gọi điện thoại để xin chữa bệnh, ông Truyền từ chối gặp trực tiếp nhưng gợi ý nhận chữa trị từ xa: “Con chuyển tin nhắn tất cả những gì con muốn để cha chuyển qua Thương xin ý Chúa. Hiện có một chút ngăn trở nên không làm việc tại chỗ, giờ kết nối thông qua Zalo đi, cha chỉ dẫn cho con”.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, đến nay Tòa giám mục Đà Lạt đã có văn bản đề nghị Tòa thánh Vatican cho linh mục Nguyễn Chu Truyền hoàn tục.

Những chai nước máy được quảng bá chữa lành COVID-19. Ảnh: V.TÙNG

Những chai nước máy được quảng bá chữa lành COVID-19. Ảnh: V.TÙNG

Loại bỏ chiêu trò lợi dụng tôn giáo

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đang tập trung xác minh đơn của nhiều nhân chứng tố cáo trò lừa đảo của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”. Trong đơn, nhiều người cho rằng với cách chữa bệnh quái dị, vô căn cứ của các đối tượng trên, bệnh tình không giảm mà nguy hiểm hơn, người bệnh còn rơi vào mê muội, nhận thức lệch lạc, có nguy cơ từ bỏ cha mẹ, anh chị em để đi theo nhóm này tuyên truyền mê tín dị đoan. Nhiều gia đình đã mù quáng bán hết tài sản quyên góp cho nhóm để được Thương dung nạp.

Trước đó, ngày 17-9-2021, chủ cơ sở này đã bị UBND TP Bảo Lộc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 45 triệu đồng do sai phạm chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước luật, pháp luật” (Điều 3). Đồng thời khẳng định các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị nghiêm cấm: “Xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản…” và “lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi” (Điều 5). Như vậy, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý, thực hiện hành vi mê tín dị đoan.

Trước yêu cầu làm trong lành môi trường xã hội, lực lượng công an cần kiên quyết vào cuộc bóc trần chân tướng hoạt động của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” để xử lý triệt để vi phạm theo các quy định. Các tổ chức tôn giáo cũng cần có biện pháp nghiêm khắc hơn để góp phần ngăn chặn những đối tượng vi phạm giáo lý, giáo luật, làm ảnh hưởng đến tôn giáo chân chính.

Làm loạn ở nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn

Theo Tòa giám mục Đà Lạt, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” xuất hiện ở nhiều giáo phận từ Bắc chí Nam, thậm chí diễn trò phá rối không khí trang trọng tại buổi thánh lễ trao Pallium cho Đức tổng Giuse Nguyễn Năng tại nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn ngày 19-2-2022.

Khi Đức Tổng giám mục đang nói lời cảm ơn thì một “diễn viên” hóa vai “người bị quỷ nhập” la hét, miệng lải nhải, mắt trợn ngược. Lập tức, Nguyễn Thị Thương xuất hiện hô hoán rằng có người bị quỷ ám cần phải trừ quỷ, sau đó Thương tự “diễn” tiếp đoạn trừ quỷ. Bộ phận giữ trật tự trị an đã kịp thời có mặt đưa nhóm này ra khỏi thánh đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm