Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Chất lượng nền tư pháp do các thẩm phán quyết định

(PLO)- Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, thẩm phán không tốt thì sẽ không có nền tư pháp chất lượng tốt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-8, đoàn công tác của TAND Tối cao do Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt của TAND hai cấp TP Cần Thơ.

Nguyên nhân việc xét xử án hành chính bị kéo dài

Báo cáo của TAND TP Cần Thơ cho thấy từ ngày 1-10-2022 đến 31-7-2023, TAND hai cấp trong thụ lý 9.793 vụ việc (cùng kỳ là 8.614 vụ việc); giải quyết 6.735 vụ việc, đạt tỉ lệ giải quyết là 68,77% (cùng kỳ là 67,17%). So với cùng kỳ số thụ lý đã tăng 1.179 vụ việc; giải quyết tăng 949 vụ việc; tỉ lệ giải quyết tăng 1,6%.

Lượng án phải giải quyết tăng, dẫn đến sự quá tải đối với thẩm phán và thư ký. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả giải quyết vẫn chưa đạt yêu cầu.

Về án hành chính, trong những tháng đầu năm, do người bị kiện (là các cơ quan hành chính) chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, không tham gia đối thoại nên việc xét xử kéo dài, tồn đọng. TAND TP đã có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, Thường trực Thành ủy đã có công văn chỉ đạo vấn đề này, gần đây đã có chuyển biến.

Cạnh đó, cơ sở vật chất của một số tòa án cấp huyện còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động.

Từ đó, TAND TP Cần Thơ kiến nghị TAND Tối cao sớm có ý kiến trả lời về việc TP xin tuyển dụng mới biên chế thư ký và kế toán viên; đưa vào kế hoạch trung hạn xây dựng mới trụ sở một số TAND cấp huyện, trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện…

Các kiến nghị của TAND TP Cần Thơ đã được đại diện Cục Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức - Cán bộ và lãnh đạo TAND Tối cao giải đáp từng vấn đề.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm việc tại TAND TP Cần Thơ vào chiều 6-8. Ảnh: NHẪN NAM

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm việc tại TAND TP Cần Thơ vào chiều 6-8. Ảnh: NHẪN NAM

Giao TAND TP Cần Thơ tổ chức thi tuyển

Kết luận buổi làm việc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá trong hoàn cảnh bình quân cả nước tăng 8% số lượng vụ việc nhưng Cần Thơ tăng 20% (từ 10.000 vụ năm ngoái, nay lên 12.000 vụ việc), TAND hai cấp của TP Cần Thơ cũng đã rất cố gắng. Tỉ lệ giải quyết tuy chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng cũng là tỉ lệ cao.

“Cải cách tư pháp để nâng cao chất lượng tư pháp. Chúng ta trang bị, xét xử trực tuyến, đổi mới tổ chức, tăng thêm nhiệm vụ… nhưng xét cho cùng chất lượng nền tư pháp do cán bộ tư pháp quyết định, do các thẩm phán quyết định. Thẩm phán không tốt thì sẽ không có một chất lượng tư pháp tốt” - Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Trả lời đề nghị của TAND TP Cần Thơ về vấn đề biên chế, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng tỉ lệ xét xử sáu vụ/thẩm phán/tháng của Cần Thơ chưa phải là cao. TP.HCM là 12 vụ/thẩm phán/tháng. Bất hợp lý của TAND ở Cần Thơ là thư ký thiếu, thẩm phán nhiều. Như báo cáo, bốn thư ký mà tám thẩm phán, như vậy một thư ký phải phục vụ hai thẩm phán, thành ra áp lực cho thư ký. Mất cân đối này thì phải điều chỉnh, thiếu 30 biên chế thì sẽ bổ sung. Nhưng không phải tuyển một lúc mà tuyển có lộ trình để đảm bảo hằng năm thu nạp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết sắp tới sẽ giao TAND TP Cần Thơ tổ chức thi tuyển nhưng phải đảm bảo tuyển đúng người, đúng chất lượng; thi tuyển đúng, chặt chẽ, tránh việc gửi gắm, quen biết và lưu ý nơi thiếu là cấp huyện thì thi xong phải về cấp huyện làm việc.•

Không công khai bản án, 13 thẩm phán bị nhắc nhở

Chánh án TAND Tối cao lưu ý 49 trường hợp chưa một lần sử dụng phần mềm trợ lý ảo, 13 thẩm phán không công khai bản án.

Theo Chánh án TAND Tối cao, “không công khai bản án chỉ có hai khả năng. Một là không xét xử. Hai là xét xử có vấn đề. Cả hai khả năng này đều không tốt”.

“Chúng ta công khai bản án để thể hiện trách nhiệm trước bản án của mình. Ngày hôm nay chúng ta nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phán quyết, ngày mai bản án đưa lên mạng thì người dân xem lại bản án để đánh giá xem bản án có đúng không. Để người ta không bình luận xấu thì phải làm cho tốt. Đây là cách kiểm soát quyền lực, thể hiện trách nhiệm của chúng ta trước người dân cho nên thẩm phán nào không có bản án thì phải nhắc nhở. Nhắc nhở nhiều lần không được thì phải có xử lý” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm