Chèn cải lương vào âm nhạc hiện đại: Sự thể nghiệm ấn tượng

(PLO)- Những năm qua, nhiều người làm nhạc đã chèn nhạc truyền thống vào âm nhạc hiện đại tạo nên phong cách lạ, được đông đảo khán giả đón nhận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc đưa âm nhạc truyền thống nói chung và cải lương, vọng cổ nói riêng vào âm nhạc hiện đại đã được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện tạo nên những bản hit gây sốt khắp các diễn đàn âm nhạc, mạng xã hội.

P13_anh-1.jpg
NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng đã có màn kết hợp gây sốt trong MV Về nghe mẹ ru hồi năm 2022. Ảnh: NSCC
P13_anh-2.jpg
NSƯT Thoại Mỹ kết hợp với H-Kray trong MV Phấn hoa màu son ra mắt hôm 1-10. Ảnh: NSCC

Khơi lại tình yêu đối với âm nhạc dân tộc

Đầu tháng 10, làng nhạc Việt đã đón nhận một ca khúc có sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và cải lương mang tên Phấn hoa màu son do NSƯT Thoại Mỹ cùng H-Kray thể hiện và nhận được đánh giá cao của người nghe.

“Mặc dù Melody & Harmony (hòa âm) do H-Kray sáng tác chưa thực sự đột phá cho lắm, thế nhưng vừa phối giọng cô Thoại Mỹ và đoạn cải lương của cô vào thì tự dưng bài hát nó lại sáng bừng hẳn lên” - một trang bàn luận về âm nhạc viết.

H-Kray cho biết bản thân rất hạnh phúc và hãnh diện khi mời được một nghệ sĩ kỳ cựu, tài năng và dày dạn kinh nghiệm như NSƯT Thoại Mỹ tham gia dự án. “Tôi thực sự muốn khơi gợi lại những giá trị truyền thống trong âm nhạc, kết hợp với hơi thở đương đại của người trẻ” - H-Kray bày tỏ.

Bài hát bản thân nó đã hay cùng cách xử lý nhịp điệu, hòa âm phối khí kết hợp âm hưởng của hai giọng ca đặc sắc khiến cho người nghe từ ngạc nhiên đến thán phục và chấp nhận nó.

Trước đó, ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng đã gây sốt với album Vũ trụ cò bay. Đặc biệt, MV Chiếc lược ngà là một điểm nhấn khó quên của Phương Mỹ Chi khi kết hợp cùng NSƯT Kim Tử Long.

Ngoài H-Kray, Phương Mỹ Chi, trước đó nhiều ca sĩ cũng đã đưa cải lương, vọng cổ vào các sản phẩm âm nhạc hiện đại.

Tháng 6 vừa qua, NSND Bạch Tuyết cùng rapper Wowy đã kết hợp trong Tia sáng cuối cùng (The last light). Điều bất ngờ chính là sự kết hợp độc đáo khi hòa trộn giữa pop, rap, world music và âm nhạc dân gian đã mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị khiến người nghe “nổi da gà”.

Trước đó là ca khúc Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết và Hoàng Dũng ra mắt vào tháng 4-2022. Nói đến việc kết hợp giữa cải lương và âm nhạc hiện đại, không thể không kể đến ca khúc này vì đã gây bão trên khắp các diễn đàn, nhận giải thưởng và được vinh danh tại các sự kiện âm nhạc.

Kết hợp giữa cải lương và âm nhạc hiện đại không phải bây giờ mới có mà nó đã manh nha hình thành từ năm 2009. Những năm 2010-2015, thế hệ 8X, 9X khi nhắc đến ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim chắc chắn sẽ nghĩ đến bài hát nổi tiếng Teen vọng cổ (tác giả Trần Anh Khôi). Đây là một sự kết hợp rất hài hòa giữa nhạc trẻ, vọng cổ và rap. Thời điểm đó, bài hát thu hút đến nỗi được khán giả cả ba thế hệ đều yêu mến. Bài hát cũng đưa Vĩnh Thuyên Kim trở thành một trong những ca sĩ “đắt show” nhất lúc đó và đem về cho nữ ca sĩ giải Nữ ca sĩ triển vọng của Zing.

Một cách để cải lương đến gần với người trẻ

Hiện nay, có thể thấy cải lương, đờn ca tài tử dù chỉ là một “gia vị” trong những ca khúc âm nhạc hiện đại, thế nhưng khi lồng ghép, kết hợp một cách khéo léo đã khơi gợi được tâm lý tò mò và yêu thích từ khán giả trẻ. Từ những phá cách này đã giúp nghệ thuật truyền thống đến gần hơn nữa với khán giả trẻ.

Trước những thành công của MV Chiếc lược ngà, Phương Mỹ Chi cho biết việc đem cải lương, vọng cổ vào là điều mà Chi và DTAP đã chú trọng trong sản phẩm này.

“Khi kết hợp vào những bài mang tính chất dân ca như đoạn Chi và NSƯT Kim Tử Long thể hiện sẽ giúp ca khúc trở nên da diết và thêm chiều sâu hơn. Chi nghĩ rằng khi bản thân kết hợp được giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống như cải lương, vọng cổ vào sản phẩm của mình là một điều rất tốt. Bởi chất liệu pha thoa giữa truyền thống và hiện đại vừa không làm tác phẩm bị quá đơn điệu, sẽ chạm được đến trái tim của khán giả trẻ hiện nay hơn. Đồng thời, nó vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, đẹp đẽ nhất của văn hóa Việt Nam” - nữ ca sĩ bày tỏ.

Với NSƯT Thoại Mỹ, khi kết hợp với H-Kray trong Phấn hoa màu son, nữ nghệ sĩ cũng cho biết trước nay đa số công chúng cho rằng cải lương là cũ, ai đó mặc quần áo màu mè một chút cũng gọi là cải lương.

“Với tôi, cải lương không cũ. Các bạn trẻ vẫn muốn kết hợp với cải lương nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để dung hòa được giữa cải lương và những yếu tố hiện đại khác. Tôi muốn khán giả trẻ có cái nhìn khác về cải lương, đến gần cải lương hơn” - NSƯT Thoại Mỹ tâm sự.

Có thể thấy hiện nay khán giả trẻ dễ dàng đón nhận cái mới hơn so với trước kia. Một phần vì bài hát bản thân nó đã hay cùng cách xử lý nhịp điệu, hòa âm phối khí kết hợp với âm hưởng của hai giọng ca đặc sắc khiến cho người nghe từ ngạc nhiên đến thán phục và chấp nhận nó.•

Xu hướng mới để các bạn trẻ thay đổi góc nhìn

Về nghe mẹ ru là khúc đưa nôi từ thuở ban sơ cùng hòa điệu với âm sắc ngũ cung trên nền của nhịp điệu đường phố, hơi thở của cuộc sống hiện đại. Cải lương như phẩm giá thuở lọt lòng, luôn thức và đi cùng đời sống, là “quê mùa” nhưng đủ tông để chạm đến mọi xúc cảm cội nguồn. Tân hay cổ đều cùng một điểm hẹn cải lương, với hò xự xang xê cống, chứa cả cái nhịp điệu sôi động, để trên đường phố, giữa ngã tư, bộn bề thanh âm R&B lại vẳng lên Lý con sáo…

NSND BẠCH TUYẾT

Những gì Phương Mỹ Chi đang làm là một bước tiến, xu hướng mới để các bạn trẻ thay đổi góc nhìn sau khi nghe dòng nhạc này sẽ thấy không phải cổ lỗ sĩ hay sến súa. Tôi mong các bạn trẻ bây giờ hãy nghe những dòng nhạc như thế để có thể vừa cảm được nhạc trẻ vừa cảm thấy bài hát ngũ cung của tài tử miệt vườn vẫn rất hay nếu như chúng ta chịu khó nghe. Đừng xem nó là một nghệ thuật cổ lỗ sĩ, sến súa… mà mình bỏ quên nó.

NSƯT KIM TỬ LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm