Hôm nay (25-5) tại cơ sở Nguyễn Tất Thành - Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra Chương trình hội thảo “Quyền tiếp cận công lý trong pháp luật Dân sự”.
Chủ trì hội thảo là PGS. TS Đỗ Văn Đại – Trưởng khoa Luật Dân sự và PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Phương – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự, phụ trách công tác tổ chức TS. Nguyễn Văn Tiến – Trưởng Bộ môn Luật TTDS-HNGĐ cùng sự tham gia của các đại biểu và các thầy cô, sinh viên.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: YC
Có đơn mới xin lỗi oan là… phi lý
Trình bày về “Quyền tiếp cận công lý trong việc khôi phục danh dự cho người bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra”, ông Nguyễn Tấn Hoàng Hải nêu ra 2 hạn chế trong của pháp luật trong việc khôi phục danh dự cho người bị oan. Thứ nhất, người bị oan phải gửi đơn yêu cầu (bằng văn bản) thì cơ quan tiến hành tố tụng mới tổ chức xin lỗi, theo ông Hải đây là quy định không hợp lý. Ông Hải cho rằng đã làm sai thì phải xin lỗi chứ không thể đợi có đơn yêu cầu của người bị oan mới tiến hành xin lỗi.
Thứ hai, Luật quy định thời hạn để yêu cầu khôi phục danh dự chỉ thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực. Theo ông Hải việc khống chế thời hạn để yêu cầu khôi phục danh dự đối với người bị thiệt hại là một bước lùi và việc áp dụng thời hiệu các quyền nhân thân là không phù hợp với lý thuyết của pháp luật Dân sự.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng Hải. Ảnh" YC
Có được chuyển giới nhiều lần?
Một vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay cũng đã được đề cập đến trong bài phát biểu của Th.S Lê Hà Huy Phát đó là “Quyền tiếp cận công lý của người chuyển giới trong pháp luật Dân sự”.
Theo ông Phát, có một số vấn đề còn vướng mắc chưa được làm rõ: Thứ nhất, hôn nhân có chấm dứt không khi 1 bên vợ hoặc chồng chuyển đổi giới tính? Thứ 2 nếu một người nam chuyển sang nữ họ có được hưởng các quyền như đối với nữ? Thứ 3 một người có được quyền chuyển giới nhiều lần hay không?
Vấn đề thứ nhất, cá nhân ông Phát cho rằng trong khi chờ văn bản hướng dẫn nên đặt ra một yêu cầu chỉ cho phép chuyển đổi giới tính đối với người độc thân hoặc đã ly hôn. Tuy nhiên hội thảo không đồng tình với ý kiến này của ông Phát vì cho rằng yêu cầu như trên là hạn chế quyền chuyển đổi giới tính của công dân.
Về hai vấn đề còn lại, hội thảo cũng đồng tình với ông Phát đảm bảo quyền của người nam chuyển giới thành nữ như người nữ và một người được chuyển giới nhiều lần.
Th.S Lê Hà Huy Phát
Ths. Huỳnh Quang Thuận
Nối tiếp, Ths. Huỳnh Quang Thuận trình bày bài về “Quyền tiếp cận công lý qua quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp Dân sự khác của TAND trong TTDS và Mối tương quan giữa việc đảm bảo quyền tranh tụng của đương sự và quyền tiếp cận công lý trong TTDS”.
Theo ông Thuận, BLTTDS 2015 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về Dân sự. Theo đó Tòa án có thẩm quyền giải quyết “các tranh chấp khác về Dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Theo ông Thuận, nói một cách dễ hiểu ngoài những tranh chấp cụ thể được liệt kê thì Tòa án mặc nhiên được quyền giải quyết tất cả các tranh chấp Dân sự khác chỉ trừ trường hợp có văn bản pháp luật cụ thể quy định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác không phải Tòa án.
Cũng theo ông Thuận, một quy định tiến bộ của BLTTDS 2015 là quy định giới hạn thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự, theo đó các bên chỉ được giao nộp chứng cứ theo thời hạn do thẩm phán quy định nhưng không vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Quy định này theo ông Thuận sẽ loại bỏ việc các bên cố tình che giấu chứng cứ trong giai đoạn sơ thẩm để gây khó khăn cho đương sự khác.