Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án lấy từ ngân sách

Chiều 16-6, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trước khi QH biểu quyết, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, đã trình bày báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự luật này. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hòa giải, đối thoại các vụ việc có yếu tố nước ngoài vào phạm vi hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà đương sự có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính, trong đó đã bao gồm cả những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có yếu tố nước ngoài như ý kiến đại biểu QH nêu. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị “TAND Tối cao quy định việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên”. Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo luật.

Theo đó, TAND Tối cao là cơ quan cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, thanh tra viên, chấp hành viên thi hành án dân sự, thẩm tra viên tòa án ngạch thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp, thư ký tòa án ngạch thư ký viên chính… thì có thể là hòa giải viên. Người bị kiện có quyền đồng ý, từ chối hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và yêu cầu hòa giải viên chuyển vụ việc cho tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng.

Một trong hai điều luật được QH biểu quyết riêng là “Chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án”. Theo đó, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ một số trường hợp.

Dự luật cũng trao cho Chính phủ thẩm quyền quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí này… Đối với toàn văn dự luật, 90,27% đại biểu QH đã tán thành thông qua. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm