Ngày 5-6, TAND Tối cao có Công văn số 145 đề nghị TAND các tỉnh, thành báo cáo số liệu xây dựng đề án trang bị cơ sở, vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 141 (ngày 20-5-2020) của Chánh án TAND Tối cao về việc thành lập Ban xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
TAND Tối cao đề nghị Chánh án TAND các tỉnh, thành tổ chức triển khai và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý lập báo cáo nhu cầu tài sản trang bị cho Trung tâm Hòa giải, đối thoại của các TAND (Trung tâm).
Các hòa giải viên, đối thoại viên của Trung tâm đối thoại, hòa giải tại tòa án quận 1. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Đồng thời, căn cứ vào số lượng án mà các tòa án đã thụ lý trong năm 2019 để phân bổ biên chế cho các trung tâm. Cụ thể, các tòa án có số lượng án thụ lý ít hơn 300 vụ: 3 hòa giải viên (HGV), 300 - 500 vụ: 4 HGV, 500 - 800 vụ: 5 - 6 HGV, 800 - 1000 vụ: 7 - 8 HGV, 1000 - 1500 vụ: 9 -10 HGV, 1500 - 2000 vụ: 12 HGV, 2000 vụ trở lên: 15 HGV.
Đơn giá dự toán, tiêu chuẩn và định mức tài sản căn cứ theo Quyết định số 50/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 18A (năm 2018) của Chánh án TAND Tối cao.
Riêng các đơn vị tòa án đã thực hiện thí điểm hòa giải thì lập báo cáo rút kinh nghiệm triển khai từ thực tiễn đồng thời báo cáo số lượng tài sản phục vụ công tác hòa giải, đối thoại.
Hiệu quả của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án Việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp là bước tiến cần thiết, cũng như bắt kịp với xu hướng của các nước trên thế giới, để giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính… mà không cần thông qua quá trình giải quyết cũng như các thủ tục tố tụng thông thường. Kết quả hòa giải nếu thành công và được tòa án công nhận vẫn có giá trị pháp lý bình thường như các bản án. Việc này đã tiết kiệm một chi phí không nhỏ cho ngân sách, hạn chế việc cưỡng chế thi hành án, nhất là tiết kiệm thời gian đi lại của người dân, đồng thời giảm thiểu các vụ án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Cạnh đó, việc thực hiện thí điểm nếu tiếp tục phát huy được hiệu quả sẽ tiến tới việc ban hành luật và áp dụng rộng rãi trong cả nước theo tinh thần cải cách tư pháp. Riêng tại TP.HCM đã thành lập thí điểm và đi vào hoạt động có hiệu quả với 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp. Cụ thể gồm TP.HCM, quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi. |