Chính vì vậy, sự kiện 18 con tàu vỏ thép ở Bình Định hư hỏng đã gây sự chú ý đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nói thẳng: Việc các con tàu bị thay thế chất liệu, máy móc… là phá hoại chủ trương!
Về phía địa phương, nhiều quan chức tỉnh Bình Định đã không thể “chịu nổi” cách nói ngang ngược, phủi trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu. Không tức lộn ruột sao được khi đại diện Công ty Đại Nguyên Dương, Công ty Nam Triệu, hai đơn vị đóng các con tàu này, lý giải: Các con tàu hư là do một phần bà con sử dụng chưa thành thạo, nước biển mặn làm hỏng tàu.
Trời đất ơi, từ thuở hồng hoang đến nay, chẳng lẽ đã từng có giai đoạn nước biển không mặn mà lại ngọt như nước sông, nước giếng và nước hồ?
Quá bực mình và xót xa với tình cảnh của ngư dân, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho đơn vị kiểm định độc lập các con tàu hỏng, đơn vị cung cấp máy tàu cũng đến kiểm tra các máy trên tàu. Chưa có kết luận chính thức nhưng đến giờ này Bình Định cũng đã sơ lược được là vỏ tàu bị tráo thép, máy tàu không chính hãng, nước sơn không bảo đảm, dàn đèn trên tàu bị các công ty thay đổi công suất… Bình Định yêu cầu các công ty khắc phục thay máy, đổi thép… và đề nghị công an vào cuộc để lật mặt các đơn vị làm ăn gian dối.
Quay lại thời điểm trước đây, sau khi được ngân hàng đồng ý cho vay đóng tàu, ngư dân đã lựa chọn các công ty để họ đóng theo quy chuẩn của hợp đồng. Đến khi ngư dân ra khơi mới phát hiện các con tàu này đóng không đúng thiết kế so với hợp đồng. Trước khi các con tàu được đưa vào sử dụng, Trung tâm Đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản là đơn vị xem lại. Tuy nhiên, đơn vị này không hiểu sao đã không phát hiện ra các con tàu có vấn đề. Để rồi khi ra khơi, một con tàu phải nằm lại trong lòng biển vì tàu bị phá nước, thiệt hại về tài sản là đặc biệt nghiêm trọng…
Về phía các công ty đóng tàu, nếu có chuyện họ lợi dụng việc thiếu hiểu biết của ngư dân để “ăn trên đầu trên cổ” thì khi các con tàu hư hỏng, họ phải có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì, đổi sản phẩm theo đúng hợp đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ngư dân. Đằng này họ lại tìm cách phủi trách nhiệm, gây phẫn nộ cho ngư dân và dư luận.
Doanh nghiệp nào cũng nghĩ đến lợi nhuận bởi lợi nhuận thường là mục tiêu sống còn của họ. Các công ty đóng tàu cho ngư dân cũng không ngoại lệ, nên nếu họ tìm mọi cách để tăng thêm lợi nhuận thì cũng không lạ. Nhưng tăng thêm lợi nhuận bằng thủ đoạn thay thế, tráo vật tư, máy móc và dấm dúi cho ngư dân để họ rút đơn kiện thì còn tệ hơn con buôn với nghĩa xấu nhất mà dân gian từng gán ghép.
Hàng hóa (tàu vỏ thép) giao không đúng chất lượng, ngư dân có quyền trả lại và các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh, đó là cách hành xử văn minh, đúng pháp luật. Và trong vụ này, không chỉ chính quyền mà Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định cùng sát cánh với ngư dân, buộc các công ty đóng tàu hành xử theo luật trước khi công an làm rõ hành vi sai luật của các đơn vị liên quan.
Không ai dám chắc sắp tới sẽ không còn chiếc tàu nào bị phá nước, đe dọa tính mạng ngư dân giữa trùng khơi. Vì thế, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định, đã nói: “Khi ngư dân ngồi trên những con tàu hư hỏng ra khơi, nếu xảy ra đâm va, chết máy, thả trôi…, ai phải chịu trách nhiệm? Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả cơ sở đóng tàu”.
Tôi không chắc lương tâm của ai đó có bị bào mòn bởi nước biển mặn như người ta từng đổ tại nước biển mặn làm hư tàu hay không. Vì vậy, tôi chỉ mong cơ quan pháp luật vào cuộc quyết liệt để giành lại công bằng, công lý cho ngư dân, đồng thời xử lý những người làm sai, gây tổn hại đến chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Hy vọng điều ấy sẽ hiển nhiên xảy ra như chuyện hiển nhiên nước biển thì phải mặn.