Theo báo cáo, Nga vẫn có thể tăng chi tiêu quân sự trong những năm tới. Ảnh minh họa
SIPRI cho rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 9,7% so với năm trước, đạt mức 216 tỷ USD, Nga tăng 8,1% lên 84,5 tỷ USD, Ảrập Xêút tăng 17% lên 80,8 tỷ USD (mức tăng cao nhất trong số 15 nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới).
Dù Mỹ vẫn là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất nhưng năm 2014 đã giảm 6,5% xuống 610 tỷ USD (giảm 20% so với năm 2010). Một số sự kiện lớn dẫn tới tăng chi tiêu, như Nga sáp nhập Crimea tháng 3/2014, tranh chấp lãnh thổ gia tăng ở biển Hoa Đông và biển Đông, Ảrập Xêút tiếp tục cung cấp vũ khí cho các chiến binh ở Syria và gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo và triển khai chiến dịch không kích phiến quân tại Yemen.
Theo báo cáo của SIPRI, với Nga, kế hoạch tăng chi tiêu của Kremlin đã được phê chuẩn và đưa vào thực hiện từ trước cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong kế hoạch năm 2015, Nga cắt giảm chi tiêu quân sự căn cứ vào việc nền kinh tế đang bị tổn thất nặng nề bởi các đòn trừng phạt của phương Tây và sự tụt dốc giá dầu.
Theo báo cáo, Nga vẫn có thể tăng chi tiêu quân sự trong những năm tới. Ngược lại, các quốc gia thành viên NATO hầu như không có khả năng tăng chi tiêu khi đặt ra mục tiêu chi tiêu quân sự không vượt quá 2% GDP. Hầu hết các nước Tây Âu và Trung Âu đều có xu hướng cắt giảm theo chính sách thắt lưng buộc bụng, ngoại trừ các nước thuộc vùng Baltic, Bắc Âu và Đông Âu giáp biên giới Nga.
Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã giữ mạch tăng liên tục trong suốt thập kỷ qua theo sự tăng trưởng kinh tế của nước này, chiếm khoảng 2-2,2% GDP. SIPRI cho rằng, Bắc Kinh chỉ công bố khoảng 66% con số chi tiêu chính thức cho quân sự, khoảng 808,2 tỷ nhân dân tệ (130,2 tỷ USD) cho năm 2015.
Nhóm nghiên cứu của SIPRI nhận xét, giai đoạn vừa qua, phần lớn khoản ngân sách này được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhập khẩu vũ khí, xây dựng công trình quân sự, phục vụ nhu cầu thực tế của quân đội Trung Quốc… Lương hưu của những người từng phục vụ trong quân đội không được tính trong bản công bố chi tiêu quân sự chính thức của nước này.
Nhật Bản cũng chi tiêu cho quốc phòng tương đương năm 2013, chiếm vị trí thứ 9 trong số 9 nước chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới. Ấn Độ vươn lên chiếm vị trí thứ 7 của Nhật Bản năm ngoái trong nhóm nước nhập khẩu, mua sắm vũ khí, trang bị lớn nhất thế giới.
Theo Bloomberg/TPO