Theo ban chỉ đạo, năm 2011 Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Mục tiêu là nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đồng thời mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao. Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho việc phát triển truyền hình quảng bá, tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.
TP Đà Nẵng chính thức đoạn tuyệt truyền hình tương tự mặt đất. Ảnh: LÊ PHI
Theo đó, đề án này gồm bốn giai đoạn. Triển khai ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 1 tại năm TP trực thuộc trung ương trước 31-12-2015.
Giai đoạn 2 là tại 26 tỉnh lân cận bốn TP trực thuộc trung ương trước 31-12-2016.
Giai đoạn 3 là tại 18 tỉnh, thành đồng bằng và trung du trước 31-12-2018.
Giai đoạn 4 tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn lại trước 31-12-2020.
Để thực hiện đề án trên, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã phối hợp với TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm việc số hóa truyền hình mặt đất tại TP trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại năm TP trực thuộc trung ương. Đồng thời thực hiện số hóa truyền hình tại bốn huyện, TP của bắc Quảng Nam gồm: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc.
Ông Đoàn Quang Hoan (Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam) cho hay: “Đến nay đã có 5.444 hộ nghèo tại TP Đà Nẵng và 11.408 hộ nghèo ở bắc Quảng Nam đã được hỗ trợ đầu thu để tiến hành số hóa. Đến thời điểm này đã hoàn thành việc thực hiện thí điểm. Vì vậy, chính thức từ 1-11-2015 tại TP Đà Nẵng và bốn huyện, TP thuộc bắc Quảng Nam sẽ chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất”.