Chiêu "giấu tiền" của đại gia chứng khoán

Chiêu đầu tiên được cổ đông VIP của các công ty niêm yết sử dụng khá phổ biến. Đơn cử như một công ty trong ngành thực phẩm, trước khi cổ phiếu lên sàn, người ta cứ tưởng ông chủ của nó phải lọt vào top những người giàu nhất nhì Việt Nam, bởi ông còn là chủ tịch hội đồng quản trị của hàng loạt công ty cực lớn, có cả công ty niêm yết với giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Nhưng khi công ty lên sàn, cáo bạch chỉ nêu vị chủ tịch này sở hữu vỏn vẹn 10 cổ phiếu. Người trong ngành đều hiểu, tài sản của ông đã được "phân tán" sang danh mục đầu tư của người thân trong gia đình, hoặc bạn bè.

Một người thân cận với vị đại gia này tiết lộ, vị chủ tịch hội đồng quản trị chỉ muốn được biết đến như một người Việt Nam có khát vọng lớn chứ không muốn bị soi mói về tài sản.

Mặc dù không đứng tên sở hữu cá nhân tại công ty buộc phải công khai số cổ phiếu sở hữu, vị đại gia đại diện sở hữu cho những tổ chức là cổ đông lớn nhất của đơn vị niêm yết. Những tổ chức này chưa niêm yết và vị đại gia là cổ đông lớn nhất nhưng chưa phải công khai.

Ở một công ty trong ngành tài chính lớn, vị lãnh đạo trong hội đồng quản trị chỉ nắm giữ vài trăm nghìn cổ phiếu. Thế nhưng, ông giữ chức phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị và có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định mang tính chiến lược của công ty. Những cổ đông lớn của công ty này đều coi ông là một cổ đông VIP.

Ông này tiết lộ, một tỷ lệ lớn cổ phiếu được đứng tên người thân hoặc họ hàng sở hữu. Những người này không phải công khai tên trong bản cáo bạch nên ông cũng ít bị soi về khoản sở hữu cổ phiếu dù vẫn nắm quyền biểu quyết rất lớn.

Chiêu "giấu tiền" thứ hai mới xuất hiện trong vòng hai năm trở lại đây, và hiện chỉ vài đại gia áp dụng. Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn trong giới tài chính sau vài năm nằm trong top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, hiện không còn đứng tên trực tiếp sở hữu. Ông thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phiếu cá nhân có trị giá lớn nhất sang đó.

Xét về quyền sở hữu tài sản, ông này ẩn danh dưới tên của một tổ chức mới. Bên cạnh đó, ở một số công ty còn đứng tên sở hữu cá nhân với cổ phiếu, vị đại gia này giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 5%. Với chiến thuật mới, tên người sở hữu sẽ không phải công bố.

Ông này cho biết, việc chuyển quyền sở hữu sang công ty mới thành lập nhằm mục tiêu quản lý tài sản tốt hơn và cũng minh bạch hơn. Một lý do khác cũng được ông này đề cập tới là tránh việc bị chú ý quá nhiều về tài sản cá nhân của mình.

Theo Phạm Sung (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm