Chiếu sáng hai thánh giá đỉnh tháp chuông nhà thờ Đức Bà mùa Giáng sinh

Những ngày này, khi không khí Giáng sinh đang tràn ngập các ngõ, hẻm Sài Gòn thì trên hai đỉnh tháp Thánh giá của Nhà thờ Chính toà Đức Bà Sài Gòn cũng đang sáng hai ngọn đèn tím của mùa Vọng.

PLO đã có buổi trò chuyện cùng linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận Sài Gòn, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, sau hơn bốn năm nhà thờ trùng tu trong đó gần hai năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Giàn giáo hai bên hông Nhà thờ đã gỡ từ tháng 5-2020. Ảnh: Quỳnh Trang

Kỹ sư, công nhân trùng tu sẽ ở ba tại chỗ đến Tết Nhâm Dần

. Phóng viên: Trong sáu tháng nhà thờ đóng cửa, ngưng thánh lễ vì đại dịch tại Sài Gòn, việc trùng tu nhà thờ diễn ra như thế nào, thưa linh mục?

+ Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân : Trong thời gian giãn cách, chúng tôi thực hiện đảm bảo an toàn triệt để vì sự an toàn chung của mọi người, xã hội. Suốt thời gian đó cũng rất nhiều người quan tâm hỏi thăm xem công việc trùng tu diễn ra như thế nào. Có thể nói, cho đến giờ công việc trùng tu không bị gián đoạn nhưng có những khó khăn nhất định. Tôi theo chủ trương ba tại chỗ, nên anh em kỹ sư, công nhân… ở tại chỗ từ đầu giãn cách và tiếp tục ba tại chỗ cho đến Tết Nhâm Dần 2022; trừ những trường hợp thật đặc biệt chúng tôi có xe đưa đón để bảo đảm trong tiếp xúc ít nhất.

Việc trùng tu ở ngoài không thấy bởi nhà thờ đang đoạn tập trung trùng tu tháp chuông và hai tháp kẽm bên trong. Các tháp hư hại rất nặng. Dấu mốc là từ khi Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng về đây Sài Gòn hai năm qua, đó cũng là lần nhà thờ giật chuông lần cuối cùng. Kỹ sư trưởng đã yêu cầu từ khi ký hợp đồng đến khi kết thúc hợp đồng, nghiệm thu việc trùng tu thì phải dừng giật chuông ngay bởi khung đỡ chuông đã quá mục, rỗng ruột bên trong; nếu giật chuông nữa sẽ sập nhà thờ.

Hiện để trùng tu hai tháp chuông và hai tháp kẽm có thể bền vững với thời gian hàng trăm năm nữa thì rất vất vả, việc trùng tu hai tháp không thể dưới ba năm.

Giàn giáo tháp chuông sẽ hiện hữu ở Nhà thờ Chính toà Đức Bà Sài Gòn nhiều năm nữa. Ảnh: Quỳnh Trang

. Riêng phần giàn giáo của tháp chuông lắp từ tháng 6-2020, nó làm người dân luôn chờ đợi không biết khi nào công trình sẽ được gỡ. Vậy theo tiến độ khoảng khi nào phần trùng tu tháp chuông hoàn thành, thưa linh mục?

+ Từ năm ngoái, các chuyên gia từ châu Âu sang, họ đã lắp ráp các dàn giáo như mọi người thấy, nếu không có dàn giáo đó không thể tiếp cận được phía trên để biết mức độ hư hỏng như thế nào. Giờ lên mới thấy nó hư hỏng quá chừng.

Vì thế việc gỡ giàn giáo còn lâu lắm bởi hiện đang giai đoạn khảo sát mức độ hư hỏng để trùng tu tháp chuông và tháp kẽm. Mỗi ngày từ Sài Gòn đều có báo cáo cho tập đoàn Monument ở Bỉ, từ đó các chuyên gia dựa vào khảo sát thực ở đây mới đưa ra biện pháp trùng tu như thế nào cho an toàn, hiệu quả.

Hiện để gỡ hai tháp kẽm trên cùng hoàn toàn không đơn giản vì đá, gỗ, thép… đều mục. Giàn giáo bọc hai tháp chuông nhà thờ phải để nguyên cho việc trùng tu tối thiểu 3 năm nữa. Và ngay cả tiến độ trùng tu, trước đó tôi có trả lời báo PLO dự kiến cuối 2025 sẽ kết thúc trùng tu, nhưng đại dịch COVID-19 toàn thế giới, công nhân không đi làm được, vật tư đứt gãy nghiêm trọng; nhiều vật tư tăng giá, vận chuyển từ châu Âu về khó khan… Vì thế dự kiến cuối 2027 mới có thể hoàn thành công trình này nếu không có gì trở ngại đột ngột tiếp theo.

Hệ thống giàn giáo để trùng tu tháp chuông cao hơn 62m từ mặt đất lên đỉnh tháp chuông. Ảnh: Quỳnh Trang

Sẽ có hàng rào bảo vệ nhà thờ và hệ thống chiếu sáng mỹ thuật

. Thực tế giàn giáo tháp chuông làm nhà thờ mang một hình hài khác, việc lắp giàn giáo nhập khẩu cũng có nhiều ý kiến cho rằng tốn kém hơn giàn giáo nội địa, linh mục nghĩ sao về vấn đề này?

+ Tôi cũng nhận nhiều câu hỏi thắc thắc mắc tại sao phải nhập giàn giáo? giàn giáo này thuê châu Âu hay sao? Tôi xin trả lời rõ, làm sao chúng tôi thuê được? Thuê biết bao giờ trùng tu cho xong để sang châu Âu trả?

Tôi sang tận nơi ở châu Âu mua và mua trước đó rất lâu để năm ngoái ráp. Nếu bây giờ khi cần mới đi mua thì không chịu nổi vì giá tăng khủng khiếp. Giàn giáo này nhanh gọn, không hề có vít, chốt vô rất nhanh và được bảo hành 30 năm. Giàn giáo đủ vững chắc để có thể tiếp cận hai tháp, đỉnh thánh giá với chiều cao từ đất lên tháp kẽm khoảng 62m.

Tổng giàn giáo có 29 tầng nhưng vận thang Geda (Đức) chỉ lên đến tầng 17. Tầng 17 của giàn giáo có sàn thao tác rất rộng để tập kết vật tư, mọi thứ…Từ đó lên đến đỉnh thánh giá là 12 tầng nữa và hoàn toàn khảo sát, vận chuyển thủ công.

Công trình nhà thờ trùng tu công phu đang được người dân Sài Gòn mong ngóng. Ảnh: Quỳnh Trang

. Thưa linh mục, những ngày qua, việc vệ sinh chóp mái, gạch ngoài tường, giúp người người dân dễ thấy nhất về tiến trình trùng tu; vậy ban trùng tu có phương án ra sao để gìn giữ mỹ quan sau khi công trình hoàn thành?

+ Từ trước đến nay, vào những thời điểm trước Giáng sinh và nhiều lần gặp các lãnh đạo, tôi đều nói cách chung để bảo vệ cảnh quan, vẻ đẹp lẫn sự tôn nghiêm của Nhà thờ Chính toà Đức Bà Sài Gòn thì không thể để trống như vậy được. Để trống đẹp nhưng không bảo vệ được. Không chỉ ở Việt Nam mà khi sang Pháp nhiều lần thăm các nhà thờ tôi thấy họ vẫn đặt hàng rào, tức người ta vẫn phải bảo vệ chứ không thể chờ ý thức. Tôi đã trình bày, các lãnh đạo cũng đã đồng thuận. Đó là khi trùng tu xong nhà thờ sẽ làm hàng rào mỹ thuật mở, người dân có thể thấy vách tường mà không tiếp cận được vách tường. Hàng rào không đụng lòng đường mà trên thềm của nhà thờ. Bởi đã bao năm qua, báo chí, truyền hình… kêu gọi ý thức các bạn trẻ nhưng dường như không thành công, nên muốn bảo vệ phải làm hàng rào.

Sau khi trùng tu, nhà thờ sẽ có hệ thống hàng rào và chiếu sáng mỹ thuật. Ảnh: Quỳnh Trang

. Ngoài hàng rào thì hệ thống chiếu sáng mỹ thuật một công trình rất quan trọng. Ban trùng tu đã có tính toán cho điều này chưa, thưa linh mục?

+ Nhìn nhà thờ tôi hơi buồn, tại sao, bên bưu điện có cái đèn sáng còn phía nhà thờ tối thui. Tôi đã có trao đổi với lãnh đạo TP., khi công trình trùng tu xong Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn ban đêm phải thu hút du khách, phải sáng. Tôi sẽ chiếu sáng từ thánh giá trở xuống với hệ thống chiếu sáng của Đức và phần điều khiển của Bỉ

Việc chiếu sáng thời gian còn dài, trước mắt trong mùa Vọng này, người dân Sài Gòn đã thấy này hai đỉnh thánh giá có đèn màu tím. Đêm Vọng Giáng sinh hai đèn sẽ chuyển sang ánh sáng trắng vàng nhẹ như màu sắc trong Phụng vụ.

. Xin cảm ơn linh mục!

Nhà thờ Đức Bà sẽ có dàn chuông 16 cái bên cạnh hệ thống chuông cũ nâng cấp

“Nhà thờ không thể vắng tiếng chuông quá lâu. Với dàn chuông 6 cái cũ của hãng Bollee-Bolee Et Ses Fils (Pháp) quá trình trùng tu không dám giật nữa. Chính hãng Bollee đề xuất nhập thêm ba cái để nâng cấp thêm với sáu chuông cũ đảm bảo hợp âm tốt hơn, chúng tôi sẽ đặt bổ sung thêm ba chuông cho hệ thống chuông của Bollee cũ.

Tuy nhiên, thời gian trùng tu còn dài, nhà thờ không có chuông thì nhà thờ rất buồn. Tôi vận động ân nhân đặt đúc, nhập dàn chuông đàn gồm 16 chuông nhỏ và 9 chuông lớn để nhà thờ vẫn có tiếng chuông trong giai đoạn trùng tu sáu năm tới. Trong chín chuông lớn sẽ có bốn chuông khắc tên bốn Đức Tổng của Tổng giáo phận Sài Gòn lên bốn chuông lớn; năm chiếc còn lại sẽ là tên một số ân nhân đặc biệt của việc trùng tu nhà thờ.

Hệ thống chuông đó đúc xong tại Pháp sẽ vận chuyển bằng đường thuỷ về Sài Gòn và nhờ chuyên gia sang lắp, lập trình những bản nhạc theo mùa phụng vụ. Bởi ngay cả việc sử dụng chuông phụng vụ cũng phải đào tạo chuyên nghiệp, hiện mình chưa đáp ứng được người có thể làm việc đó. Sau khi nhà thờ trùng tu xong, hệ thống chuông này vẫn tiếp tục sử dụng bên ngoài nhà thờ”, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận Sài Gòn, Chánh xứ, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm